Trong 3 năm (2014 – 2016), Bình Thuận xảy ra 1.194 vụ phạm pháp hình sự (giảm 5% so với cùng kỳ), nhưng tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm, manh động, phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Một số loại tội phạm như cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích,… gia tăng. Tình trạng các nhóm thanh thiếu niên luôn mang theo hung khí trong người, sẵn sàng sử dụng để giải quyết mâu thuẫn liên tiếp xảy ra, nhiều đối tượng phạm tội lần đầu nhưng đã gây ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Đáng chú ý, tình hình vi phạm pháp luật trên lĩnh vực trật tự xã hội chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự xảy ra nhiều với 2.136 vụ/2.376 đối tượng, đã cảnh cáo 369 đối tượng, phạt tiền 2.007 đối tượng. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến khá phức tạp, nổi lên là nạn đánh bạc dưới hình thức số đề, đá gà, xóc đĩa, binh xập xám, máy bắn cá; số người nghiện ma túy hiện đã tăng lên 2.170 người, tỷ lệ tái nghiện khoảng 90%.
Thực tế qua công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm cho thấy, giữa ma túy và tội phạm hình sự có “quan hệ mật thiết” và tỷ lệ thuận với nhau, khoảng 70% vụ phạm pháp hình sự đều liên quan đến ma túy. Phân tích những số liệu trên để thấy sự cần thiết của việc lập hồ sơ đưa các đối tượng liên quan vào diện xử lý hành chính giáo dục tại xã và cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo các Nghị định 111, 221, 02 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong 3 năm qua các ngành, địa phương trong tỉnh chỉ lập hồ sơ đưa được 123 đối tượng hình sự, 98 đối tượng ma túy giáo dục tại xã, phường, thị trấn, 5 đối tượng vào trường giáo dưỡng, 4 đối tượng vào cơ sở giáo dục, 15 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, so với tình hình họat động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn ma túy thì hiệu quả công tác này còn thấp, chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình.
Đại tá Phạm Thật – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến việc đưa các đối tượng vi phạm xử lý theo Nghị định 111, 221 còn quá ít do một số cấp ủy Đảng ở các huyện, xã chưa quan tâm, không quyết liệt trong chỉ đạo. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan chưa đồng bộ, có đơn vị còn ngại va chạm; công tác quản lý, tích lũy hồ sơ vi phạm của đối tượng của lực lượng công an chưa chặt chẽ. Mặt khác, một số văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều bất cập, không thống nhất nên khó áp dụng. Ví dụ như việc đưa đối tượng nghiện đi xác định tình trạng nghiện nhưng không quy định ai phải chịu chi phí trên, đưa đối tượng đi bằng phương tiện gì, nếu xảy ra vấn đề thì ai chịu trách nhiệm… Thiết nghĩ, để công tác này ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả hơn, thì bên cạnh tập trung khắc phục những hạn chế trên, ngành chức năng cần quan tâm hơn đến việc thu thập, tích lũy tài liệu, lập hồ sơ đưa vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những trường hợp vi phạm hành chính về an ninh trật tự, sử dụng trái phép chất ma túy để vừa quản lý, cảm hóa, vừa làm căn cứ để đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định. Nhân rộng các mô hình đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật gắn với việc giáo dục, giúp đỡ người từng vi phạm tái hòa nhập cộng đồng.
Tấn Thành