Theo thống kê của ngành chức năng đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3.290 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. So với cuối năm 2020, giảm 224 trường hợp (do chưa xác định tình trạng nghiện). Toàn tỉnh hiện có 109/124 xã, phường, thị trấn có người nghiện cũng như vi phạm pháp luật về ma túy (chiếm 87,9%). Tuy số liệu giảm, nhưng thực tế số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý tại các địa phương còn khá nhiều. Trong số đó, có những người nghiện đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi.
Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều trẻ em nghiện ma túy từ khi tuổi còn rất nhỏ. Có những trường hợp cha mẹ bỏ nhau, gia đình ly tán, trẻ em không có sự bao bọc yêu thương của người lớn đã “đi hoang”, kết giao với những thành phần bất hảo rồi bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Rồi có những trường hợp trẻ dù đang ở lứa tuổi học sinh nhưng lại đua đòi cùng bạn bè tập trung sử dụng rượu, bia rồi sử dụng ma túy đá để thử “ảo giác” một lần. Cùng với đó, gia đình thiếu sự giám sát theo dõi những biểu hiện bất thường của trẻ dẫn đến các em bị nghiện ma túy từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tại kỳ họp thứ 11 diễn ra ngày 30/3/2021, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với nhiều nội dung mới đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000. Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc các trường hợp: Người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện. Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể.
Và ngày 24/3/2022, tại phiên họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Pháp lệnh gồm 5 chương, 48 điều. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Pháp lệnh này áp dụng đối với đối tượng có tính chất đặc thù, là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, nên một trong những nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người nghiện bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị.
Khi nhận được hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, tòa án phải vào sổ giao nhận. Trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định thì tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.
Việc ban hành pháp lệnh trên đã giải quyết một vấn đề mà dư luận quan tâm trong thời gian qua cũng như phần nào hạn chế tác hại của ma túy với giới trẻ hiện nay.