Trước đó vào ngày 16/6, Công an huyện Bắc Bình và Tuy Phong cũng tóm được 4 tên cướp đường đã thực hiện hàng chục vụ cướp giật táo tợn. Bọn cướp đều còn rất trẻ và nghiện ma túy, khi ra tay thì sử dụng xe phân khối lớn, chạy tốc độ cao, sẵn sàng dùng bình xịt hơi cay, súng bắn bi sắt, hay ớt bột, ná thun chống trả khi bị truy đuổi. Tội phạm ma túy hoành hành khiến người dân hoang mang khi ra đường.
Thống kê chưa đầy đủ, đến giữa tháng 6/2020 Bình Thuận có 3.450 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 602 người nghiện so cùng kỳ năm trước). Do cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh quá tải, phải ngưng tiếp nhận, người nghiện ma túy ngoài xã hội nhiều, nên tội phạm ma túy gia tăng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.
Người nghiện khi không có tiền mua ma túy sử dụng để thỏa mãn cơn nghiện, họ sẽ trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người... Nhiều vụ “ngáo đá” leo nóc nhà, ngọn cây, trụ điện, dùng kim tiêm đi “xin đểu”, thậm chí chém giết dã man người thân của mình, làm cả xã hội rùng mình lo lắng.
Đó là lý do cử tri kiến nghị nên thay đổi quy định, không nên xem người nghiện ma túy là “bệnh nhân” như hiện nay. Cử tri cũng kiến nghị sửa Luật Phòng, chống tác hại ma túy theo hướng tăng nặng hình phạt hành vi mua bán ma túy. Đợt tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận sau kỳ họp thứ 9 vừa qua, đã ghi nhận được rất nhiều nỗi lo lắng trước nạn sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng nhanh, trong khi quản lý Nhà nước với tệ nạn này còn nhiều bất cập.
Vấn đề trường cai nghiện quá tải cùng các hệ lụy đã được kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh “mổ xẻ” thông qua phiên chất vấn và trả lời với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và Giám đốc Công an tỉnh. Được biết Bình Thuận chỉ có 1 cơ sở cai nghiện ma túy tập trung thành lập từ năm 1997, sức chứa 120 học viên (cả ma túy và mại dâm). Do nhu cầu tăng nhanh, cơ sở này đã 2 lần được đầu tư mở rộng (vào năm 2016 và 2019), nâng sức chứa lên 200 học viên. Tuy nhiên hiện cơ sở này đang phải chứa tới 260 học viên, có thời điểm tới 275 học viên.
Trước tình hình người nghiện ma túy tăng nhanh, nhưng việc cai nghiện tại khu dân cư, tại gia đình ít hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện rất cao, hầu hết thân nhân người nghiện đều muốn đưa con em vào cơ sở cai nghiện tập trung. Tháng 6 vừa qua tỉnh quyết định đầu tư mở rộng thêm 200 chỗ ở cho học viên cai nghiện (nâng sức chứa lên 400 học viên) hoàn thành vào cuối năm nay. Giai đoạn tới tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 300 chỗ ở cho học viên cai nghiện, nâng sức chứa lên 700 học viên...
Nhưng nếu tệ nạn ma túy cứ liên tục gia tăng thì đầu tư mở rộng cơ sở cai nghiện tập trung thêm bao nhiêu nữa cũng không đủ chỗ. Quá tải và tội phạm ma túy hoành hành là vấn đề cử tri và đại biểu HĐND tỉnh lo lắng, chất vấn Giám đốc Công an tỉnh về giải pháp cắt đứt các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy vào Bình Thuận tiêu thụ.
Phương thức tuyên truyền phòng, chống tác hại ma túy cũng cần thay đổi, không chỉ trên báo chí, mà cả trên mạng xã hội, để từng anh công nhân, ngư dân, xe ôm, lái xe, học sinh, sinh viên... đều tiếp cận được. Ma túy tổng hợp đang tấn công vào thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, dưới nhiều mẫu mã, tên gọi mỹ miều, cuốn hút, chứ không phải hình ảnh gớm ghiếc chiếc kim tiêm dính máu cùng cái đầu lâu xương chéo, trên các tấm pano tuyên truyền ven đường nữa.
Đặng Dũng