Theo dõi trên

Đưa rau an toàn đến người tiêu dùng

02/01/2020, 09:57

BT- Bây giờ người dân xã Phước Thể đã quen với việc đến cửa hàng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phước Thể (thôn 1, xã Phước Thể, Tuy Phong) để chọn cho mình các loại rau, quả, thực phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình kể từ khi HTX này thực hiện mô hình canh tác rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới...

                
   Xã viên chăm sóc rau.

Thành công ban đầu

Ở Phước Thể, trước đây có một số hộ trồng rau cung cấp cho các chợ tại xã và thị trấn Liên Hương, phương thức canh tác đơn thuần của bà con nông dân theo hướng nhà ai nấy làm nên sản lượng còn hạn chế. Bên cạnh đó, sản phẩm rau chưa có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng ở các  đơn vị trường học, nhà máy còn cân nhắc khi sử dụng. Từ năm 2017, khi HTX Nông nghiệp Phước Thể thành lập với với 38 thành viên tham gia hướng đến sản xuất nông sản theo hướng an toàn nâng cao thu nhập cho các xã viên. Ngoài sản xuất cây lúa, thanh long tiêu chuẩn VietGAP, từ năm 2018 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa vào 0,2 ha trồng rau nhà lưới kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt. Với hệ thống tưới này giúp HTX giảm chi phí tiền điện hàng tháng và chi phí nhân công tưới nước nâng cao giá trị sản xuất.

Trong khuôn viên nhà lưới những luống rau được vun hàng ngay ngắn phân theo từng loại: rau dền, cải, tần ô, hành, ngò, húng, tía tô… đã phủ lên màu xanh kịp bán dịp Tết Nguyên đán. Những xã viên cần mẫn và chăm sóc từng luống cây, theo dõi bệnh hại, bón phân, công việc không hề ngơi nghỉ. Rau được trồng trong nhà lưới che nắng, mưa và hạn chế côn trùng xâm nhập. Dẫn chúng tôi đi thăm nhà lưới trồng rau ông Ngô Văn Thương – Giám đốc, HTX Nông nghiệp Phước Thể cho biết: “Ban đầu xã viên còn lúng túng quy trình sản xuất, khó khăn phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học hiệu quả chưa cao nên mẫu mã sản phẩm làm ra chưa đẹp. Tuy nhiên, các xã viên cố gắng sản xuất rau tuân thủ kế hoạch, quy trình sản xuất theo phương thức VietGAP từ các công đoạn làm cỏ, bón phân, tưới nước, ghi nhật ký sản xuất rau cũng như chú trọng từng giai đoạn sinh trưởng của rau để tạo điều kiện phát triển tốt nhất”.

Thay đổi tập quán sản xuất

Theo ông Thương, để phòng trừ bệnh gây hại trên rau, HTX đã khoanh vùng dùng “thiên địch” phòng trừ côn trùng gây hại, tự chế các loại thuốc từ tỏi, gừng… để thay thuốc trừ sâu. Qua cách làm này giúp nông dân ngày càng thay đổi tư duy về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chuyển từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang các loại thuốc có nguồn gốc sinh học nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, HTX còn dành riêng ra diện tích 1,5 sào triển khai các mô hình mới để nông dân tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Các loại rau thời gian sinh trưởng ngắn thời điểm này nhiều loại đã cho thu hoạch cung ứng cho một số đơn vị trường học và bán ra thị trường tại cửa hàng bán rau quả của HTX. Từ 2 sào nhà lưới trồng rau hiện HTX đã mở rộng thêm 8 sào tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng rau được tập trung hơn. Sản phẩm rau của HTX vừa được cấp chứng nhận rau an toàn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, đây là cơ sở để HTX mở rộng thêm đầu ra qua việc ký hợp đồng cung ứng rau tiêu thụ tại siêu thị, trường học, các nhà máy và Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

 Trong lúc người tiêu dùng đang rất lo ngại về thực phẩm không an toàn, việc sản xuất rau an toàn ở Phước Thể là bước đi cần thiết và kịp thời. HTX Nông nghiệp Phước Thể đang nỗ lực tạo ra những nông sản có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất bằng phương pháp trồng rau, quả mà không sử dụng các loại hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hóa chất cũng như các loại phân hóa học… Từ mô hình khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư các công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, có ý thức, trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất rau an toàn, rau sạch cũng như học hỏi kinh nghiệm thay đổi tập quán sản xuất.

T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận
Đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2013. Bình Thuận là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng vị thế của Bình Thuận trong khu vực và cả nước.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa rau an toàn đến người tiêu dùng