Gập ghềnh… bằng lái xe mô tô
“Năm ngoái đến nay, người dân trong thôn bị phạt vì lái xe 2 bánh không có bằng lái nhiều lắm. Bà con muốn đi học lấy bằng nhưng phải ra tận Phan Thiết cực quá, tốn kém quá” – ông Đào Ngọc Sơn, thầy Mom ở thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân nói. Ông Sơn kể, muốn ra Phan Thiết học thì người dân phải dậy sớm tự chạy hoặc người thân chở bằng xe máy, chiếc xe sẽ thi tại sân sát hạch cảm ứng với khoảng 70-80 km rồi chiều tối lại chạy về, rất nguy hiểm. Còn nếu ở lại Phan Thiết thì tốn kém việc nhà trọ, ăn uống… Vì thế, nhiều người dân trong thôn cứ lần lữa mãi, chứ tinh thần bà con người Chăm là rất tuân thủ pháp luật. Như ông, ở độ tuổi đã hơn 60 nhưng từ năm 2008, ông đã ra Phan Thiết lấy bằng lái xe 2 bánh A1. Chắc cũng phải nỗ lực vượt qua khó khăn lúc ấy nên cách ông khoe cái bằng lái xe 2 bánh cứ như khoe 1 thành tích lớn. Vì thế, ai cũng ước muốn tại huyện Hàm Tân có sân sát hạch cảm ứng thi cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh thì hay quá!
Không chỉ người Chăm, tại cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh với nhân dân huyện Hàm Tân diễn ra ngày 1/10/2024 dưới sự chủ trì của Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, với 150 người dân ở các xã, thị trấn trong huyện, cử tri xã Tân Hà cũng kiến nghị nội dung tương tự.
UBND huyện Hàm Tân cũng ghi nhận rằng hiện nay, người dân trên địa bàn huyện Hàm Tân có nhu cầu học để được thi cấp giấy phép lái xe mô tô hai bánh theo quy định là rất lớn. Tuy nhiên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Hàm Tân không đủ điều kiện để tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo quy định như về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất...
Chỉ còn thị xã La Gi, Hàm Tân
Theo Sở Giao thông Vận tải, 6 năm trước, cụ thể ngày 15/6/2018, sở đã gửi Công văn số 2041 đề nghị UBND các huyện và thị xã La Gi quan tâm, chỉ đạo, sớm xem xét phê duyệt kinh phí tạo điều kiện cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) tại địa phương hoàn thành các thủ tục lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động trong hình sát hạch lái xe mô tô hạng A1 trước ngày 1/7/2018 theo quy định. Vì thời điểm ấy, ngoài Trung tâm sát hạch lái xe loại 3- An toàn tại TP.Phan Thiết, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đào tạo lái xe mô tô nào có lắp thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lái xe trong hình theo Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông Vận tải.
Liền sau đó, trong năm 2018, 2019, các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh đã lắp đặt sân sát hạch cảm ứng nên đem lại hiệu quả tốt trên thực tế, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bình quân mỗi tháng tại 1 huyện sát hạch 250 người. Riêng sân ở Tánh Linh, Bắc Bình đáp ứng hết cho dân tộc thiểu số không biết đọc và không biết viết chữ Việt đến dự sát hạch theo nhu cầu.
Còn 2 huyện: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc gần TP.Phan Thiết nên không đầu tư sân sát hạch cảm ứng tại huyện nhưng việc đi lại cho thi lấy bằng lái xe mô tô 2 bánh của người dân tại TP.Phan Thiết cũng không trở ngại mấy. Riêng Trung tâm GDNN-GDTX thị xã La Gi, dù sở đã có công văn nhắc năm 2020 nhưng đến giờ vẫn chưa đầu tư sân sát hạch cảm ứng tại địa phương nên học sinh sau 18 tuổi và người dân muốn thi lái xe mô tô 2 bánh phải hành trang đi nơi khác thi, rất cực nhọc cho bà con. Trong khi việc đầu tư lắp đặt thiết bị cảm ứng sát hạch lái xe mô tô hạng A1 khoảng 250 triệu đồng.
Với tinh thần tạo điều kiện cho nhân dân được học và sát hạch tại địa phương của mình; giảm chi phí đi lại và vì mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối trong quá trình học viên đi dự sát hạch; Sở Giao thông Vận tải đề nghị Trung tâm GDNN –GDTX ở thị xã La Gi đầu tư lắp đặt thiết bị cảm ứng sát hạch lái xe mô tô hạng A1. Còn Trung tâm GDNN –GDTX Hàm Tân phải thực hiện chức năng đào tạo lái xe và đầu tư sân sát hạch cảm ứng để đáp ứng nhu cầu nhân dân, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số.