Sớm được trở về để làm lại cuộc đời
Hội trường của Trại giam Thủ Đức hôm 1/10 bỗng trở nên rộn ràng hơn thường lệ. Chưa đến giờ tổ chức, nhưng những phạm nhân trong trại, rồi những thân nhân của phạm nhân đã tập trung rất đông. Khi buổi lễ trao quyết định đặc xá chính thức bắt đầu, nhiều phạm nhân và cả những người dự lễ không giấu được niềm xúc động.
Đợt đặc xá năm 2024, Trại giam Thủ Đức có 134 phạm nhân được Chủ tịch nước ký quyết định cho đặc xá. Trong đó, có 101 phạm nhân nam, 33 phạm nhân nữ và 11 phạm nhân là người nước ngoài. Nguyễn Đăng Thuần, sinh năm 1975, vướng tội danh giả mạo trong công tác với 7 năm tù giam đã không giấu được niềm vui mừng khi nhận được quyết định đặc xá của Chủ tịch nước trong đợt này. Thuần cho biết: Khi mới đến trại chấp hành án tinh thần suy sụp, có những lúc đã phó mặc cho số phận. “Tôi chơi vơi, mơ hồ với mọi thứ xung quanh. Thế rồi, với sự quan tâm sâu sắc của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ, tôi được tham gia học tập để trang bị các kiến thức pháp luật, kỹ năng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt, thông qua các hoạt động như “Viết về người thân yêu nhất” và “Viết thiệp cho người phụ nữ thân yêu”, những hoạt động này đã thức tỉnh tôi cùng với nhiều phạm nhân khác”, Thuần nói.
Khi có quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2024, Thuần cũng như các phạm nhân khác được Ban giám thị và Hội đồng cán bộ phổ biến, hướng dẫn chặt chẽ thông qua sinh hoạt tổ, đội phạm nhân, tuyên truyền qua bảng tin phạm nhân và hệ thống truyền thanh nội bộ. Ngoài việc hội tụ đầy đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, Thuần cùng các phạm nhân đã được tập thể phạm nhân bình xét, giới thiệu, bỏ phiếu dân chủ công khai. Rồi Thuần vỡ òa hạnh phúc khi nhận quyết định đặc xá của Chủ tịch nước để trở về với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
“Rời mảnh đất ân tình, “nơi cuộc sống hồi sinh”, tôi xin được bày tỏ nỗi lòng của mình gửi đến các Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ. Cảm ơn các thầy đã cầm tay, chỉ việc, uốn nắn chúng tôi từ lời ăn, tiếng nói đến những thao tác trong lao động, học nghề, động viên chúng tôi trong những thời khắc chúng tôi khó khăn và mất định hướng. Cảm ơn những tấm lòng bao dung cả những lỗi lầm, cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của tình người nơi đây”, Thuần chia sẻ.
Thuần cũng cho biết, đã từng được nghe một câu nói: “Nếu chọn giữa việc làm đúng và việc làm tử tế thì bạn hãy chọn làm việc tử tế và bạn sẽ luôn đúng. Cho dù bạn là ai, hãy làm một người tử tế”. Chính vì vậy, Thuần hứa rằng trở về với cuộc sống đời thường Thuần sẽ là một người tử tế, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, trình diện chính quyền địa phương đúng thời gian quy định và chịu sự quản lý, giám sát của địa phương nơi cư trú, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt lên mặc cảm, đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Cũng trong hội trường ngày hôm đó, là những cảm xúc lắng đọng của người thân. Ông Huỳnh Trung Hậu (đến từ TP. Hồ Chí Minh) là cha của Huỳnh Trung Kiên, người được đặc xá trong đợt này cho biết: “Hạnh phúc lắm! Từ giờ tôi không còn phải thấp thỏm lo lắng gói ghém chuẩn bị các thứ cần thiết để đi lên thăm con ở Trại giam Thủ Đức nữa. Gia đình tôi sẽ không phải giấu đi những giọt nước mắt, bùi ngùi mỗi khi tết đến xuân về hay những bữa cơm sum họp mà thiếu vắng con”. Ông Hậu cũng cho rằng, sẽ có những khó khăn nhưng ông mong con ông hãy vững tin, gia đình luôn đồng hành và là chỗ dựa vững chắc nhất. “Bố tin với bản lĩnh của con và những bài học cuộc sống trong quá trình chấp hành án là hành trang để con biết đâu giá trị cuộc sống và cần làm gì trên hành trình phía trước con nhé”, ông gửi đến người con của mình.
Nhờ sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước
Đại tá Phan Hồng Lam – Giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết: Đặc xá là chế định pháp lý được ghi trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội. Đây cũng là sự ghi nhận kết quả phấn đấu cải tạo tiến bộ của mỗi phạm nhân và cũng là ghi nhận sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Ngoài ra, còn thể hiện sự kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa trại giam với gia đình, thân nhân phạm nhân và các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng như của toàn xã hội trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. “Từ năm 1945 đến nay, Nhà nước ta đã thực hiện 49 đợt đặc xá cho hàng chục nghìn lượt phạm nhân có quá trình học tập, lao động cải tạo tiến bộ và đã được xem xét chặt chẽ, kỹ lưỡng, đúng quy trình, đúng đối tượng, điều kiện quy định; có đủ cơ sở pháp lý khẳng định họ đã ăn năn hối cải, nhận rõ lỗi lầm, không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, cải tạo tiến bộ để hoàn lương”, Đại tá Lam nói.
Cũng theo Đại tá Lam, mọi phạm nhân đều được bình đẳng trước pháp luật và đều được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta nếu đã thực sự ăn năn, hối cải để học tập, cải tạo tiến bộ. Đảng, Nhà nước ta luôn dành những ân huệ, cơ hội cho tất cả mọi phạm nhân, không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, thành phần, địa vị xã hội... miễn là mỗi phạm nhân phải thực sự phấn đấu tiến bộ để có đủ các điều kiện theo quy định thì đều được hưởng đặc xá. “Đối với những phạm nhân được đặc xá lần này, khi trở về với gia đình, xã hội, các anh, các chị hãy xóa bỏ mặc cảm, tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động hòa nhập cộng đồng và nỗ lực phấn đấu hơn nữa để vượt qua khó khăn trở ngại, tranh thủ sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng, làng xóm, khu phố và của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, công an địa phương, các công ty, doanh nghiệp để sớm có cuộc sống và việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Đại tá Lam gửi gắm.
Dang rộng vòng tay, đón những người một thời lầm lỗi trở về, tạo cho họ yên tâm làm lại cuộc đời, ông Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã mong muốn gia đình, người thân các anh chị phạm nhân; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và mọi người dân cần tiếp tục quan tâm, theo dõi, động viên, tạo điều kiện giúp đỡ để các phạm nhân được đặc xá sớm xóa tan mọi mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, xã hội. “Chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng như: Mô hình quỹ hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm cho người có quá khứ lầm lỗi; Mô hình tham gia quản lý, giáo dục người có quá khứ lầm lỗi; Mô hình các câu lạc bộ; Mô hình phát huy vai trò của người có uy tín tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi... để ai ai cũng được tiếp cận, không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Đăng nhấn mạnh.
Hôm ấy, cánh cổng Trại giam Thủ Đức mở rộng, 134 phạm nhân đã rũ bỏ được áo tù. Những con người ở độ tuổi khác nhau, thế nhưng phía trước họ, là quê hương, gia đình, là những ngày mới bắt đầu trong hạnh phúc. Ngày trở về có nước mắt, có nụ cười, nhưng hơn hết là một tương lai khác đón đợi những người đã từng một thời lầm lỗi.