Theo dõi trên

Đưa thương hiệu nước mắm Phan Thiết vươn xa

14/11/2022, 05:09

Nước mắm truyền thống Phan Thiết từ lâu đã khẳng định thương hiệu nổi tiếng và được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, giờ đây còn nỗ lực đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường ngước ngoài…

Được sản xuất, chế biến theo phương pháp độc đáo với nguồn nguyên liệu dồi dào đánh bắt tại vùng biển địa phương (chủ yếu là cá nục, cá cơm), sản phẩm nước mắm truyền thống Phan Thiết đã trở thành đặc sản của Bình Thuận. Dù vậy sản phẩm lợi thế này phần lớn chỉ tiêu thụ nội địa, tập trung ở khu vực các tỉnh miền Bắc, miền Trung và trên một số kênh phân phối như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (hệ thống Co.op Mart), Trung tâm Thương mại Lotte Mart… Bên cạnh đó có trường hợp cơ sở chuyển sang sản xuất nước mắm “xá”, mắm thô để cung cấp cho các đơn vị ngoài tỉnh chế biến thành “nước mắm công nghiệp”.

img-0796-2-.jpg
Sản phẩm nước mắm Phan Thiết được đóng chai với nhiều hình thức mẫu mã đa dạng (Ảnh minh họa).

Theo Sở Công Thương, đến nay trên địa bàn Bình Thuận cũng có vài doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nước mắm với thị trường chính là Nhật Bản và Philippines. Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch 251.400 USD (tương đương 95.390 tấn nước mắm), riêng 10 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 24.600 USD (tương đương 9.200 tấn nước mắm). Đối với sản phẩm xuất khẩu, được biết thị trường Nhật Bản yêu cầu nước mắm không có mùi đặc trưng nhưng phải có vị đậm đà thuần khiết. Và tại Phan Thiết hiện nay chỉ có doanh nghiệp là Công ty Liên doanh TNHH Hải đặc sản AROMA đáp ứng được yêu cầu này thông qua áp dụng quy trình công nghệ của Nhật để sản xuất nước mắm không mùi…

Góp sức đưa thương hiệu nước mắm Phan Thiết vươn xa, thời gian qua Sở Công Thương đã phối hợp đơn vị liên quan tổ chức, hỗ trợ hiệp hội ngành nghề cũng như doanh nghiệp sản xuất - chế biến nước mắm tham gia nhiều hoạt động thiết thực. Như tăng cường tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho sản phẩm nước mắm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa bằng đa dạng hình thức: Tham gia hội chợ, triển lãm và thực hiện các chương trình khảo sát thị trường, gặp gỡ đối tác… Trong khi với thị trường xuất khẩu thì thông báo đến Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, đơn vị sản xuất - chế biến nước mắm cơ hội giao thương doanh nghiệp nước ngoài do Bộ Công Thương, các cơ quan xúc tiến thương mại tổ chức để hiệp hội, doanh nghiệp biết, lựa chọn sự kiện phù hợp tham gia.

Thực tế cho thấy, hiện có không ít thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng trên thị trường cả nước trong nhiều năm liền, hầu hết đều được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đa số cung cấp ra thị trường là sản phẩm nước mắm chất lượng cao, được đóng chai với nhiều hình thức mẫu mã đa dạng, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng… Tuy nhiên với nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn còn khá cao và giá cả ổn định, nên các doanh nghiệp trong tỉnh chưa thật sự quan tâm đến xuất khẩu nước mắm Phan Thiết sang thị trường nước ngoài.

Do vậy thời gian tới, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp trong công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ nước mắm Phan Thiết. Tiếp tục vận động và hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh nước mắm đẩy mạnh đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Nhất là chú ý xây dựng quy trình đóng chai tại nơi sản xuất theo dây chuyền hiện đại, đáp ứng các yêu cầu cao nhất về an toàn cho người tiêu dùng chọn sử dụng sản phẩm lợi thế của Bình Thuận. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở nâng cao năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao. Trước hết tập trung xúc tiến xuất khẩu sang thị trường tiềm năng, dễ thâm nhập do có tập quán tiêu dùng giống người Việt và liền kề Việt Nam (như Lào, Campuchia), tiếp theo là những thị trường có đông đảo kiều bào nước ta sinh sống…

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Sầu riêng - cây trồng kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Bắc, diện tích cây sầu riêng đã trồng từ năm 2015 đến 2021 tại địa phương khoảng hơn 930 ha, dự kiến trong năm 2022 tăng lên 940 ha và đến năm 2025 là 1.000 ha…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa thương hiệu nước mắm Phan Thiết vươn xa