Theo dõi trên

Đức Linh: Mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn

25/11/2020, 09:24

BT- Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản tỉnh vừa hỗ trợ thực hiện mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Tiến Phát (thôn 3, xã Vũ Hòa, Đức Linh). Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng…

                
         Trồng rau thủy canh tại HTX rau an toàn Tiến Phát.    Ảnh: Ngọc Lân

Nhu cầu cấp thiết

Rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tại Bình Thuận, trong năm qua diện tích trồng rau trên địa bàn tỉnh khoảng 8.830 ha. Tuy nhiên, phần lớn các hộ trồng rau có diện tích nhỏ. Một số nơi đã thành lập được các tổ sản xuất rau nhưng còn manh mún, tự phát, chưa đa dạng các chủng loại. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc tiêu thụ rau còn gặp khó khăn, chủ yếu thông qua các thương lái thu mua rồi bán lại tại các chợ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Trong số đó, thực tế toàn tỉnh chỉ có 6 cơ sở sản xuất, thu mua, bao gói rau được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Ngoài ra, số lượng sản phẩm rau sản xuất theo các quy trình đảm bảo ATTP được dán nhãn để phân biệt với các sản phẩm rau khác chưa nhiều.

Theo bà Ngô Minh Uyên Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản, ngay từ đầu năm 2020, chi cục đã tiến hành khảo sát, đánh giá lựa chọn cơ sở sơ chế, vùng trồng và xây dựng kế hoạch thực hiện chuỗi. Kết quả khảo sát cho thấy các vùng trồng rau trên địa bàn tỉnh chủ yếu có diện tích nhỏ, manh mún, nhỏ lẻ và phần lớn chưa được chứng nhận VietGAP hoặc vùng sản xuất rau an toàn. Bên cạnh đó, một số trang trại, HTX có đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau, tuy nhiên sản lượng chưa nhiều và chưa đa dạng về chủng loại. Sau quá trình khảo sát, chi cục đã lựa chọn HTX rau an toàn Tiến Phát để thực hiện mô hình, với kinh phí trên 72 triệu đồng.

 Hình thành chuỗi cung ứng

Trước khi thực hiện mô hình, HTX rau an toàn Tiến Phát có 7 xã viên, đang sản xuất một số sản phẩm rau thủy canh như cải bó xôi, tần ô, rau muống, cải thìa, xà lách, cải xanh, cải bẹ dún với diện tích khoảng 0,1 ha, sản lượng khoảng 14 tấn/năm. Các sản phẩm rau của HTX được bao gói, chưa có nhãn nhận diện và được bán lẻ tại địa phương. Vùng trồng rau của HTX chưa được chứng nhận VietGAP. Quá trình triển khai, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản đã hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho HTX. Đồng thời, giám sát việc theo dõi, ghi chép nhật ký sản xuất của HTX, hỗ trợ giống, phân bón và hỗ trợ các dụng cụ để đóng gói rau an toàn như bàn inox, khay nhựa chứa rau, kệ chứa… Việc nhận diện sản phẩm sau khi sơ chế phải được bao gói và có nhãn để nhận diện, tem QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa - đại diện HTX rau an toàn Tiến Phát cho biết: Trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, HTX đã có kế hoạch sản xuất phù hợp, hiện nay đã sản xuất ổn định 9 loại rau gồm cải thìa, cải xanh, xà lách, cải bó xôi, cải ngồng, rau ngót, cải bẹ dún, cải đuôi phụng, ngò gai. Đồng thời, HTX đã nhân rộng mô hình cho một số xã viên của HTX. Hiện nay, HTX có 9 xã viên tham gia sản xuất rau thủy canh với diện tích 0,25 ha, sản lượng khoảng 45 tấn/năm. Quá trình sản xuất của HTX được thực hiện theo quy trình và hiện nay đã được chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, chi cục đã hỗ trợ ban đầu cho HTX 10.000 nhãn sản phẩm và 10.000 tem điện tử gắn trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc thông qua việc quét mã QR code bằng điện thoại thông minh.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản, từ khi triển khai mô hình đến nay, sản lượng rau của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP khoảng 7 tấn. Tuy nhiên, do vốn đầu tư ban đầu cho nhà màng và hệ thống thủy canh tương đối cao nên việc mở rộng diện tích trồng rau thủy canh trong các xã viên của HTX còn hạn chế.

Trước nhu cầu thực tế và xu thế thị trường rau an toàn trong thời gian tới, các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh cần được tiếp tục hỗ trợ nhân rộng. Đồng thời, tiếp tục duy trì các điều kiện đảm bảo ATTP… 

    
  

  Hoàn thiện   21 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

  

  Từ đầu năm   đến nay, Sở NN&PTNT đã xây dựng hoàn thiện 21 chuỗi cung ứng thực phẩm   an toàn với sản lượng gần 20.000 tấn (trong đó, sản phẩm trứng 1   chuỗi/100 triệu quả trứng; rau, quả: 8 chuỗi/6.637,7 tấn; thủy sản khô 3   chuỗi/2.230 tấn; nuôi trồng thủy sản 1 chuỗi/2.800 tấn; sơ chế thủy sản   1 chuỗi/1.440,0 tấn; 6 chuỗi nước mắm/2,015 triệu lít; 1 chuỗi thịt   gà/100 tấn). Lũy kế đến nay hướng dẫn và hỗ trợ kết nối thành công 80   chuỗi với sản lượng sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn được kiểm soát   khoảng 188.000 tấn/năm. Ngoài ra, đã cấp 29 giấy xác nhận chuỗi cung ứng   thực phẩm an toàn/29 cơ sở/117 sản phẩm (nông sản 30, thủy sản 87). Bên   cạnh đó, trong năm đã hỗ trợ 28 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất   lượng theo HACCP, VietGAP; trong đó, 18 cơ sở áp dụng chương trình quản   lý chất lượng HACCP (thủy sản 5 cơ sở, nông sản 13 cơ sở); 10 cơ sở   chứng nhận và áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo HACCP,   VietGAP (nông sản 7 cơ sở, thủy sản 3 cơ sở).

    M.Vân

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận
Đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2013. Bình Thuận là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng vị thế của Bình Thuận trong khu vực và cả nước.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Linh: Mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn