Theo dõi trên

Đức Linh: Nỗi lòng người nông dân

20/07/2020, 10:00

BT- Tiêu, điều, cao su rớt giá, khoai mì bị bệnh xoăn, khảm lá năng suất thấp, chăn nuôi heo thất bại vì bệnh dịch tả heo châu Phi... Tất cả đều khiến nông dân ở một số xã phía Nam tỉnh không vui.

Ai về các xã miền núi huyện Đức Linh mới thấu thiểu nỗi lòng của người nông dân nơi đây. “Một nắng, hai sương”, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm trông chờ vào sản phẩm mình làm ra từ cây trồng chủ lực để bán có thu nhập, nhưng hiện đều thất thu.  Cây tiêu đang tươi tốt bỗng dưng chết, cây điều gần như bị “điếc” ít sinh trái để lấy hột, khoai mì – loại cây chịu hạn dễ trồng nhất bị bệnh xoăn, khảm lá không phát triển... Tất cả sản phẩm trên còn bị mất giá, kể cả cao su.

Ngoài trồng trọt, chăn nuôi thì bị dịch tả heo châu Phi cũng làm ảnh hưởng đến đời sống người nông dân. “Vài năm gần đây làm ăn khó khăn, nhất là từ đầu năm đến nay. Tiêu, điều, cao su rớt giá thê thảm, trồng khoai mì bị bệnh xoăn, khảm lá. Nhiều gia đình phá bỏ vườn tiêu hoặc vườn điều, trồng cây khác như mít, điều cao sản... Trước mắt, cứ đầu tư trồng, còn lại tính sau”, bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, thôn 8, xã Đức Tín, huyện Đức Linh chia sẻ, khi nhà bà vừa phá vườn tiêu trồng mít.

Thiên tai luôn đeo đẳng người nông dân như hình với bóng, cộng với mất giá nông sản khiến nhiều gia đình nông dân điêu đứng. Nhưng không cày cuốc thì lấy gì sinh nhai, hiện giá heo đang tăng, nông dân có ý muốn tái đàn, nhưng cũng lo ngại đối mặt với dấu hiệu của bệnh dịch khác xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Sáng, trưởng thôn 9, xã Đức Tín cho hay: Nông sản rớt giá là tình hình chung, nhất là mủ cao su. Giá thấp quá không đủ chi phí nhân công, người dân không khai thác mủ, một số có khai thác nhưng cầm chừng, vì lo ngại lỗ vốn. Chẳng hạn, giá 1kg mủ có giá vài ngàn đồng chỉ bằng 1 ly nước mía, làm sao có thể khai thác.

                
   Tiêu chết, khoai mì bị bệnh xoăn, khảm lá.    Ảnh: N.Lân

Tình trạng giá nông sản giảm sâu khiến nhiều nông dân cảm thấy thất vọng, đặt cho mình câu hỏi, chuyển đổi cây trồng khác liệu có ổn, khi thời tiết diễn biến bất thường. Ông Trương Văn Hương – Chủ tịch UBND xã Đức Tín cho biết: Có hộ đã chuyển sang trồng mít. Cho đến nay chưa thống kê được diện tích chuyển đổi từ điều, tiêu... sang trồng mít hay các loại cây khác, vì chuyển đổi không tập trung.

Đối với sâu bệnh trên cây mì, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh thời gian qua đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt huyện mở nhiều lớp tập huấn cho dân. Bệnh này xuất hiện từ năm ngoái, UBND các xã đã vận động nông dân nhổ bỏ cho nghỉ đất, nhưng nhiều hộ cho rằng chỉ có cây mì mới chịu đất màu, cây bắp hay những cây trồng khác không chịu. Ông Trương Quang Đến – Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Đức Linh cho biết: Giá cả nông sản bấp bênh, như điều vào đầu năm giá cao, gần đây giảm sâu, tiêu và mủ cao su rớt giá trong nhiều năm qua. Cây khoai mì gần đây bị bệnh xoắn, khảm lá, phòng có mở vài lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, khuyến khích nhổ bỏ chuyển đổi cây trồng khác. Nếu tiếp tục trồng thì năng suất thấp, chất lượng tinh bột kém.

Mất giá kéo theo thu nhập suy giảm, nhiều nông dân, những lao động chính trong gia đình đã tìm đến các nhà máy ở các khu công nghiệp xin làm công nhân. Ông Hương nói: “Làm nghề nông sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt, nhưng giá nông sản liên tục mất giá, sâu bệnh, buộc người nông dân chuyển đổi cây trồng. Có những hộ đã và đang tính phương án chuyển đổi, có hộ đi tìm việc ở các nhà máy”.

 Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Linh: Nỗi lòng người nông dân