Trắng đêm canh rừng
Những ngày đầu tháng 5, sau 2 cơn mưa tháng trước, cái nắng oi ả vẫn bao trùm cả huyện miền núi Tánh Linh. Buổi chiều tà trong khu rừng đặc dụng tại xã La Ngâu, lá của vô số loại cây vẫn rơi rụng phủ đầy mặt đất.
Tiếng lá khô cứ xào xạc và vỡ vụn sau mỗi bước chân chúng tôi qua. Từng cơn gió hanh khô vẫn liên tục len lỏi khắp khu rừng nơi đây cho tôi hiểu rằng, cái nắng gay gắt sau mưa mùa khô càng làm tăng khả năng bốc hơi nước. Rừng lúc này vì thế càng trở nên khô khốc.
Dù rừng thường xanh hay rừng khộp, chỉ cần một tàn lửa nhỏ thôi cũng có thể bùng lên thành ngọn lửa dữ dội. Nói cách khác, rừng đang ở giai đoạn cực kỳ nhạy cảm. Rừng lúc này không chỉ là một cánh rừng, mà còn là “kho” nguyên liệu cháy treo lơ lửng giữa thiên nhiên đại ngàn, nếu không chủ động phòng cháy, nếu chủ quan là mất cả cánh rừng.

Thấy tôi lo lắng, ông K’ Hiếu - hộ nhận khoán dẫn tôi đi cho biết: “Bà con lúc này không ai dám chủ quan đâu. Bởi nếu xảy ra cháy rừng thì coi như công cốc cả năm ròng rã, thiệt hại trăm năm cũng chưa thể khắc phục được”.
Không riêng ông K’ Hiếu, trước hiểm họa cháy rừng mùa khô, nhiều hộ nhận khoán khác cũng đang từng ngày, từng giờ âm thầm canh giữ rừng như thế. “Ngày trước, có mấy người vô rừng đốt tổ ong lấy mật, tụi tôi biết nên ngăn lại, nên họ không vô rừng nữa. Giờ bà con nhận khoán tranh thủ lên rừng dọn thực bì làm đường băng cản lửa, đêm xuống thay phiên nhau thức canh rừng, nếu có khói sẽ báo động ngay – ông Mang Luyến đi cùng tiếp lời.

Được biết, đây là diện tích rừng thuộc lâm phần do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông quản lý. Ban có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 23.600 ha rừng trải dài và nằm sâu trên địa bàn 2 huyện: Tánh Linh, Hàm Thuận Nam. Trong đó, 14.000 ha rừng nằm trên địa bàn huyện Tánh Linh, hầu hết thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ có phần nhỏ là phân khu phụ sinh thái. Số diện tích này nằm trên địa bàn hành chính 5 xã: Đức Bình, Đức Thuận, Gia Huynh, La Ngâu, Suối Kiết. Tại huyện Hàm Thuận Nam, rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có 9.600 ha, nằm trọn trên địa giới hành chính xã Mỹ Thạnh. 90% diện tích này cũng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
So với các khu vực khác, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông được ngành chức năng đánh giá có lượng đông đặc cây rừng lớn nhất tỉnh. Vì thế, nơi đây không chỉ là “lá phổi xanh” của vùng Tây Nam Bình Thuận, của vùng đất Nam Trung Bộ, mà còn là vùng đệm sinh thái có vai trò đặc biệt quan trọng điều hòa khí hậu, ngăn xói mòn, cung cấp nguồn nước cho cả vùng hạ lưu sông La Ngà. Quan trọng là vậy, nhưng điều đáng quan tâm khi hiện nay toàn bộ diện tích rừng do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông quản lý đang nằm trong mức cảnh báo cháy cấp nguy hiểm.

Quyết tâm giữ rừng
Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cho biết, trên 95% diện tích đơn vị quản lý là rừng đặc dụng, rừng trồng chỉ chiếm chưa đầy 5%. Trữ lượng gỗ nơi đây cũng được đánh giá cao nhất tỉnh, đa dạng sinh học còn tương đối nguyên vẹn, trong đó rừng nguyên sinh chiếm trên 70%. Hiện đang là thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm, nhiệt độ cũng cao hơn mọi năm nên khả năng cháy rừng cũng cao hơn. Do đó, lãnh đạo đơn vị sẽ tiếp tục trực 24/24 giờ. Chúng tôi cũng yêu cầu lực lượng bảo vệ rừng tại các trạm, chốt trực thuộc phải đảm bảo ứng trực đúng quy định. Những ai không có trong ca trực cũng không được rời khỏi địa bàn phụ trách, để phòng khi có sự việc xảy ra sẽ có mặt tham gia xử lý kịp thời.

Với diện tích rừng phải bảo vệ lớn và trải rộng trên địa hình hiểm trở, lực lượng chức năng phải tổ chức tuần tra, kiểm soát trong điều kiện nhiều khó khăn, phải đi bộ hàng chục cây số, vượt đèo dốc giữa mùa nắng rất vất vả, song không ai dám lơ là trách nhiệm.
Từ đầu mùa khô đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông xảy ra 1 vụ khai thác gỗ trái phép, 1 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép, nhưng đều được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Đơn vị cũng không để xảy ra cháy rừng. Điều đáng trân quý, trên lâm phần Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, đơn vị có hàng trăm hộ là người dân đồng bào dân tộc thiểu số, là người bản địa sống gần rừng đã tham gia nhận khoán bảo vệ rừng rất tích cực, hiệu quả. Từ lâu, họ đã trở thành “tai mắt” bảo vệ rừng của đơn vị. Thực tế, họ hiểu rừng nhất, sống gắn bó với rừng, bám rừng và coi rừng như phần nguồn sinh kế - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đã và đang đóng góp không mệt mỏi cho nhiệm vụ giữ rừng, song những người giữ rừng vẫn còn nhiều trăn trở, đó là vấn đề thiếu nhân lực, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, phương tiện và thiết bị chữa cháy còn lạc hậu.
Tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông hiện còn thiếu 4 biên chế nhưng mấy năm nay không tuyển được. Một người có bằng đại học vào làm, lương khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhưng phải trực 24/24 giờ, tính chế độ qua từng giờ thì quá thấp, trong khi trách nhiệm cao, công việc rất vất vả, nguy hiểm thường trực. Hơn nữa, điều kiện sinh hoạt, làm việc tại một số nơi còn thiếu, riêng Trạm bảo vệ rừng Sông Phan, chốt Đa Ru (La Ngâu) chưa có điện, Trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh không có sóng điện thoại, thiếu nước sinh hoạt. Vì lẽ đó, nếu trước đây mỗi trạm có 5 – 6 người, thì giờ đây tại 8 trạm thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông chỉ còn 3 – 4 người/trạm.
Những năm gần đây, tỉnh ta đã chủ động ứng dụng công nghệ vào hỗ trợ bảo vệ rừng, trong đó công nghệ ảnh viễn thám cũng đang phát huy tính ưu việt. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ, yếu tố quyết định vẫn là con người – những người ngày đêm bám rừng.

Nghĩ về những cánh rừng nguyên sinh tại Núi Ông – nơi không chỉ có tầng tầng lớp lớp thực vật quý hiếm như trắc, bằng lăng, lim… Dưới tán rừng ấy còn là nơi trú ngụ của hàng chục loại động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam, riêng thú có 32 loài, 7 loài chim và 15 loài bò sát. Vì vậy, giữ rừng không chỉ là giữ cây, giữ thú, mà là giữ gìn sự sống, giữ cho thế hệ mai sau được thấy thiên nhiên nước ta đa dạng, hùng vĩ. Bởi nếu mất rừng không chỉ mất cây, mất gỗ, điều đó sẽ kéo theo hệ quả mất nguồn nước, mất đa dạng sinh học và mất cả lá chắn thiên tai.
Mùa khô, cuộc chiến giữ rừng không ồn ào, không tiếng súng, nhưng là thời điểm hàng trăm con người đang căng mình lặng thầm đối mặt với hiểm nguy, từng ngày canh giữ sự sống cho rừng, giữ cho màu xanh tiếp tục hồi sinh sau mỗi mùa khô khốc liệt. Giữ rừng giờ đây không chỉ là nhiệm vụ, là câu chuyện của kiểm lâm hay đơn vị chủ rừng, mà cần sự chung tay của hệ thống chính quyền và mỗi người dân chúng ta.