Theo dõi trên

Đừng để điểm số, thành tích trở thành gánh nặng đối với trẻ

29/05/2023, 05:47

Thời điểm này, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã hoàn thành chương trình năm học, đang tiến hành tổ chức họp phụ huynh và tổng kết năm học 2022 - 2023. Theo đó, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh được nhà trường thông báo đến toàn thể phụ huynh. Một lần nữa, câu chuyện thành tích, điểm số được dấy lên.

1. Con tôi vừa hoàn thành chương trình lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau khi kết thúc kỳ kiểm tra học kỳ 2, con lo lắng hỏi tôi: “Mẹ ơi, nếu như năm nay con không được học sinh giỏi thì sao?”. Tôi trả lời con, “Không được cũng không sao miễn con đã nỗ lực, cố gắng hết khả năng của mình”. Khi được nhà trường thông báo kết quả học tập và rèn luyện, dù đã đạt được danh hiệu con đặt ra nhưng con vẫn cảm thấy chưa hài lòng với bộ môn toán. Thấy vậy tôi động viên, “Điểm số không quan trọng, vấn đề là con đã tiếp thu được kiến thức và có đam mê với môn học là được”. Với tôi, thành tích của con không quan trọng bằng việc dạy con cảm thấy việc học không đáng sợ, ý thức được việc học, sống có mục tiêu và tự thân nỗ lực phấn đấu.

2b00a19e-f4e6-4b3c-b92f-0404645a4ea4.jpeg

Tiếp tục câu chuyện về xếp loại thành tích học tập và rèn luyện cuối năm, con kể cho tôi nghe thành tích học tập của các bạn cùng lớp. “Hôm nay, con sang nhà bạn Trà chơi. Mẹ bạn vừa đi họp phụ huynh về, biết Trà không đạt học sinh giỏi như các bạn khác mẹ bạn ấy la mắng và đánh bạn. Mẹ bạn còn bảo: “Năm sau không được học sinh giỏi thì nghỉ học về đi làm thuê. Trà buồn và khóc quá chừng mẹ ạ”, con kể. Câu chuyện của con không có gì lạ, bởi đó chính là căn bệnh thành tích của nhiều phụ huynh đang mắc phải. Cũng dễ hiểu, khi sự kỳ vọng của các bậc làm cha làm mẹ không đạt được như ý muốn, nhiều phụ huynh đã tìm cách trút giận lên con cái, mang ra so sánh với "con nhà người ta" học giỏi, điểm cao… Biết rằng, thành tích học tập của con là điều mà phụ huynh nào cũng kỳ vọng, mong muốn con mình học giỏi, để sau này thành đạt, có địa vị trong xã hội. Thậm chí, bắt con chạy theo thành tích vì lòng ích kỷ, ganh đua giữa các phụ huynh với nhau, sợ con có thời gian rảnh sẽ sa ngã vào những trò chơi vô bổ hoặc bị bạn bè xấu rủ rê bỏ học… Vì quá đặt nặng thành tích nên khi các em có thành tích học tập tốt sẽ nhận được thiện cảm từ thầy cô, được bạn bè yêu mến, nhưng nếu không duy trì được kết quả tốt, bố mẹ sẽ tỏ ra thất vọng khiến trẻ hình thành áp lực học tập do sợ bản thân thua kém với người khác.

2. Những ngày này, chỉ cần lướt mạng xã hội facebook, zalo… hàng loạt phụ huynh khoe điểm số, thành tích học tập giỏi, xuất sắc, giấy khen của con kèm theo đó là những dòng trạng thái tự hào, kỳ vọng năm học tới hay tương lai con sẽ đạt thành tích cao hơn… Đây không phải là câu chuyện mới mà đã trở thành “trào lưu” vào mỗi mùa tổng kết năm học.

Những “đích đến” mà phụ huynh đặt ra đã vô tình cuốn con trẻ vào vòng xoáy học, học và học. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc liên quan đến ngành giáo dục, gióng lên hồi chuông về những bất cập áp lực thành tích trong học tập, thi cử. Thực tế, tại một số tỉnh, thành trong nước đã có những trường hợp học sinh vì quá áp lực học tập, thành tích, sự kỳ vọng từ cha mẹ đã quyên sinh hay bỏ nhà ra đi. Có trường hợp học sinh rơi vào trầm cảm, sợ học...

Theo các chuyên gia về giáo dục, nhiều cha mẹ gắn kết quả học tập của con với sự thành công của chính mình trong việc giáo dục. Điều đó gây áp lực và khiến cuộc sống của trẻ trở nên nghèo nàn, dễ mệt mỏi. Thực tế cho thấy, đánh giá một con người thành công hay không sẽ không đơn thuần ở thành tích học tập, mà ở chỗ họ đã cống hiến cho xã hội thế nào. Vì thế, cha mẹ cần xem lại cách giáo dục lý tưởng, mục tiêu sống của con trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trường THCS &THPT Lê Lợi: Hướng đến mục tiêu xây dựng trường học “Hiện đại - Thông minh và Hạnh phúc”
Không chỉ chú trọng chất lượng dạy học mà còn xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, Trường THCS&THPT Lê Lợi (TP. Phan Thiết) đang từng ngày phát triển hoàn thiện theo hướng xây dựng ngôi trường “Hiện đại - Thông minh và Hạnh phúc”.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để điểm số, thành tích trở thành gánh nặng đối với trẻ