Theo dõi trên

Đường Hồ Chí Minh - những dấu chân để lại

19/07/2019, 08:30

Kỳ 2: Nhớ anh tôi, nhà thơ Ngọc Anh và thăm ngục Tố Hữu

Ngục Tố Hữu

BT- Ai đó nói Ngọc Hồi là điểm dừng chân lý thú.Tại đây, sau khi thăm ngã ba Đông Dương, nơi có cột mốc ba biên giới trên đỉnh núi 1.086 m cách cửa khẩu  quốc tế Bờ Y khoảng 10 km, du khách còn có thể thăm  di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần, không xa trung tâm  thị trấn mấy. Vì Ngọc Hồi là điểm giữa của Trường Sơn Đông, dài trên 667 km (tính tròn, qua các tỉnh Tây Nguyên, kết thúc tại cầu Suối Vàng của Đà Lạt) nên du khách có thể theo  Trường Sơn Đông về Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Đường Trường Sơn Đông qua Tây Nguyên hiện nay trước kia là QL 14, được Pháp mở từ những năm 30 của thế kỷ trước nhằm khai thác tài nguyên các tỉnh vùng Thượng (tên gọi lúc bấy giờ). Con đường này chính là sự kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai… Đi trên con đường  là một lần hành hương về quá khứ, trùng phùng với cha ông, nghe di ngôn của người xưa… vang vọng. Chính vì vậy, sáng mờ sương hôm sau, khi quyết định theo đường Trường Sơn Đông xuôi về Quảng Nam, tôi không khỏi  có chút hồi hộp, cũng như sự thôi thúc... Thôi thúc gần nhất là tìm đến dãy núi Ngọc Linh, nơi anh, chú, bác tôi, nhà thơ Ngọc Anh, tác giả bài: “Dưới bóng cây Kơ Nia” hy sinh. Tôi mơ hồ  cảm  nhận, trước lúc hy sinh tại một điểm dưới chân dãy núi, anh tôi đã nhìn về  hướng Bắc, thầm gọi tên quê nhà tôi, nơi có nguồn sông Vu Gia nổi tiếng miền Trung, cũng như nghĩ đến cái vùng quê xa ngái, tận Hải Phòng, nơi vợ và con thơ anh đang sống, nhớ thương anh. Đó cũng là người anh mà những năm sau này lớn lên, hiểu việc anh làm, những gian truân anh nếm trải khi sớm mồ côi cha mẹ, tôi càng thương quý. Chỉ mong một lần gặp vợ anh, hai con anh để bày tỏ  tấm lòng. Và nữa,  tôi còn một lý do khác, muốn thăm và tìm hiểu ngục Dakglei, nơi tù đày những chiến sĩ cách mạng, trong đó có nhà thơ Tố Hữu là thế nào? Đường về Ngọc Linh đi mất hai giờ, sau khi  qua thị trấn Dak Glei, qua xã Đak Choong, vào đèo Lò Xo hiểm trở dài 37 km, nằm giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.  Ngay từ lúc vào đèo, bạn  nhìn thấy những tấm bảng bên đường thông báo về sự hiểm nguy, cũng như yêu cầu hết sức cẩn thận khi chạy trên đường. Đèo Lò Xo đúng như tên gọi. Khó mà kể hết bao nhiêu dốc dài, những con dốc làm xe bạn  lao đi vùn vụt, cũng như rất nhiều cua tay áo, những khúc  cua “vặn” từ bên này sang bên kia hình chữ S. Và bên mỗi cua như vậy là vực sâu, nơi cây cỏ chỉ còn là những vệt xanh mờ mờ hiện lên bên cửa kính xe, khi bạn đủ can đảm nhìn sâu xuống. Đây cũng là con đèo mà tôi gần như không thấy Tây ba lô đi phượt; thỉnh thoảng mới thấy những người dân ở đâu đó ngược, xuôi đèo và trên gương mặt đều hiện lên sự thận trọng nhất định. Bởi vậy, khi vừa thấy dãy Ngọc Linh và bảng thông báo: Di tích lịch sử cấp quốc gia: Ngục Dak Glei (10 km) cạnh đường cùng với mũi tên hướng dẫn đi vào con đường nhỏ dốc ngược,  một bên là  vực sâu, một bên là núi cao, tôi không khỏi lo ngại. Nhưng rồi sự tò mò xui tôi lái xe theo con đường núi quanh co, ngoằn ngoèo. Sau cùng, khi chạy qua những đoạn đường bê tông không được tốt lắm, tôi cũng thấy được cột mốc cây số: Ngục Tố Hữu 1 km. Đi hết khoảng cách này, nhà ngục Dak Glei hiện ra với cánh cửa sắt và mấy dãy nhà ngang, xây bằng loại đá xanh. Nhà ngục này được giặc Pháp xây vào năm 1932, nhằm giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam từ 1932 đến 1954. Trong đó, có nhiều người sau này trở thành cán bộ cao cấp như: Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ…

                
Bà Ca Phu Thị Đẹp, gia đình cưu mang Tố    Hữu.

Ngục Đak Glei hiện nay có 3 cụm công trình. Đó là, đồn binh Pháp, nơi mà theo nhà thơ Tạ Văn Sĩ sống tại Kon Tum, một thời gian dài nhiều người lầm tưởng là nhà ngục, khu căng an trí và khu nhà biệt giam được xây lên sau khi Tố Hữu vượt ngục tháng 3/1942. Cần nói thêm về khu căn an trí. Đây là nơi những năm 30 của thế kỷ trước, để mở đường 14 xuyên qua các tỉnh cao nguyên, Pháp sử dụng người dân địa phương (đồng bào các dân tộc thiểu số) tù nhân chính trị các nhà tù Ban Mê Thuột, Kon Tum… Khu an trí chính là nơi ở của tù nhân trong khi làm đường ở. Sáng ấy, một mình tôi lặng lẽ trong đồn binh Pháp, nhìn lên  mấy bức  tường đá  treo  những chiếc đèn (bão) dạng tròn, có kính bao quanh,  nghĩ miên man về người xưa. Tôi hình dung, Tố Hữu từ Quy Nhơn bị đưa lên đây lần thứ hai vào cuối năm 1941. Nhà thơ trong cảnh tù đày vẫn làm rất nhiều thơ (Hồi ký: “Trở lại Kon Tum” của bạn tù Lê Văn Hiến, kể lại). Thơ được nhiều bạn tù học thuộc, dĩ nhiên không tránh khỏi tai mắt của Đồn trưởng người Pháp Bê Li O, và con người đó không khỏi tò mò xem thử. Tôi hình dung, tên đồn trưởng há hốc miệng kinh ngạc về ý chí lạc quan của người tù Tố Hữu. Tôi hình dung  chiến sĩ  cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ, cùng vượt ngục với Tố Hữu năm 1942, trong những ngày làm lao dịch, sẽ đi lại nơi đây, để hình dung dáng  người, bước chân anh.  Buổi trưa vắng lặng trong  đồn binh Pháp xưa ấy cũng là lúc tôi hình dung con đường Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ đi,  sau khi vượt ngục là đi về hướng Bắc để xuống xứ Quảng, là quê hương của Huệ.

 Thăm làng Rô

Chính vì vậy, sau khi rời nhà ngục vào trưa hôm đó, tôi tiếp tục đổ đèo Lò Xo và hướng về xã Cà Dy, huyện Nam Giang, có làng Rô như tôi biết, Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ đã ghé lại. Làng Rô ngày trước bây giờ là thôn Rô nằm cạnh đường Đông Trường Sơn. Tôi nhận ra thôn Rô là nhờ cái bảng hiệu của một trường tiểu học cạnh đường. Ông Đinh Văn Chooh, già làng, tuổi ngoài tám mươi cho hay: Thôn hiện nay có trên 75 hộ đồng bào Cơ Tu, với khoảng 400 khẩu. Dân thôn Rô đều biết làm kinh tế.  Nhà nào cũng có đất trồng rừng, nên thu nhập ổn định. Từ năm 2008, thôn Rô là thôn  khá của xã Cà Dy, được đưa ra khỏi diện xã 135 của tỉnh Quảng Nam. Thôn  có điện thắp sáng đến từng nhà, cũng như trẻ em đều được học hành. Nhân nói chuyện cũ, ông Chooh giới thiệu tôi đến nhà bà Ca Phu Thị Đẹp, con dâu của già làng Dinh Deh trước đây, người từng cưu mang Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ khi vượt ngục. Bà Đẹp kể: “Hồi đó nghe cha chồng tôi kể: Sau khi ông Tố Hữu vượt ngục mấy ngày thì bọn quan Pháp đến làng, bắt người làng tập họp lại, đưa ảnh chân dung hai người tù cho dân làng xem, yêu cầu: Ai thấy và bắt được  hai người tù… thì quan thưởng muối và nồi đồng. Nếu giúp đỡ tù, quan biết được sẽ đốt làng. Cha chồng  tôi nghe nhưng không nói gì. Một buổi sáng, ông đang nằm trong nhà sàn thì nghe tiếng bước chân người dẫm lên thang gác, rồi tiếng một người nói giọng Quảng Nam vang lên:  “Chào già…”. Tinh ý, cha chồng tôi biết đây là hai người tù bọn Pháp đang lùng bắt. Nghĩa là đây là hai người đánh Tây, hai người  tốt. Ông liền nói với  hai người  nhanh chóng vào trong nhà, chỉ chỗ nằm, rồi bảo bọn con gái nấu cơm cho ăn. Hai ông ở lại làng  tôi cho tới khi lành bệnh, đi lại mạnh khỏe. Lúc đó cha chồng tôi sai chị Đơ, chị gái lớn, cắt rừng đưa hai ông về vùng Đại Lộc, an toàn”. Bà Đẹp còn cho biết thêm:  Năm 1973, khi vào miền Tây Quảng Nam công tác, Tố Hữu ghé thăm làng, tặng đồng bào gạo muối, chăn màn, kéo cắt tóc. Riêng già làng Dinh Deh thì tặng chiếc radio, tấm ảnh chân dung có đề những dòng chữ sau: “Kính tặng các đồng chí và đồng bào làng Rô thân yêu để nhớ lần đầu đến làng, những ngày vượt trại giam Đắk Lây vào cuối tháng 3/1942 và lần về lại thăm làng tháng 5/1973”, kèm 4 câu thơ: “Ôi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy”.

                
Một góc làng Rô hôm nay.

Già làng Dinh Deh rất quý hai kỷ vật. Trước khi mất già làng dặn chồng bà Ca Phu Thị Đẹp là ông Đinh Reng, phải lập bàn thờ nhà thơ, coi nhà thơ là người của làng.  Thời gian trôi qua, chồng bà Đẹp cũng đã mất, nhưng di ngôn của già làng, bà Đẹp vẫn tôn trọng. Ở một góc trang trọng của căn nhà cấp 4 xuống cấp,  ảnh nhà thơ Tố Hữu được đặt trang trọng bên cạnh ảnh già làng. Bà Đẹp nói thêm: “Nhà tôi bây giờ là điểm dừng của nhiều du khách khi họ qua xã Cà Dy. Ai cũng muốn biết thôn Rô và chuyện nhà thơ Tố Hữu ghé lại làng của mấy mươi năm trước”.

Xem ra, tôi cũng là một trong những người bà Ca Phu Thị Đẹp nói. Đường chiều về Quảng Nam, Đà Nẵng, sẽ qua đầu nguồn sông Vu Gia đầy hoang sơ và  lạ lẫm,  tôi lại chạy đêm không tốt lắm... nhưng vẫn  liều nán lại chút nữa xem sao vì mỗi lần đi dọc Trường Sơn  là mỗi lần khó.

Ký sự: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường Hồ Chí Minh - những dấu chân để lại