Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (Chủ đầu tư), dự án được khởi công từ tháng 1/2024, đến nay cơ bản hoàn thành. Đường vào sân bay có tổng chiều dài 3,63km, chiều rộng nền đường 36 m, chiều rộng mặt đường 13,5 m, chiều rộng dải phân cách giữa 12,5 m, chiều rộng vỉa hè mỗi bên 5 m. Tuyến đường này cũng thi công đồng bộ các hạng mục vỉa hè và hệ thống thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng và cấp nước chữa cháy với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 117,9 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện 4 năm, từ năm 2023 - 2026.

Bình Thuận là địa phương nằm trong địa bàn chiến lược có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và có tiềm năng phát triển du lịch. Việc đầu tư xây dựng sân bay góp phần không nhỏ vào việc thu hút nhiều dự án, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương và các khu vực lân cận. Việc đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, đường dẫn vào sân bay là điều cấp bách, là bước tạo đà quan trọng khi dự án sân bay Phan Thiết hình thành đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Hiền – Phó Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết: Trong quá trình thi công, mặc dù gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng Ban Quản lý đã phối hợp với địa phương và các ban ngành tháo gỡ kịp thời. Việc đầu tư dự án Đường vào sân bay Phan Thiết sẽ kết nối Sân bay Phan Thiết với hệ thống giao thông khu vực, phục vụ khai thác tối đa chức năng hàng không dân dụng và công tác an ninh quốc phòng. Đồng thời, tạo quỹ đất đô thị dọc hai bên đường, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Bình Thuận phát triển.

Bày tỏ sự vui mừng khi dự án hoàn thành, bà con địa phương có thể lưu thông thuận lợi trên tuyến đường này, ông Đỗ Ngọc Hòa - Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cho biết thêm: "Được chính quyền địa phương cùng ngành chức năng giải thích, vận động nên bà con có đất nằm trong diện giải tỏa, đền bù đều đồng thuận, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Khi giao thông mở lối, xã Thiện Nghiệp nói riêng và TP. Phan Thiết nói chung sẽ được hưởng lợi, đặc biệt sẽ thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch nơi vùng ven này ngày càng phát triển".
Mới đây, thông tin UBND tỉnh Bình Thuận và Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2025 – 2030 thật sự là tin vui và đầy hy vọng cho Bình Thuận. Bởi, khi Vietnam Airlines mở các đường bay đến Bình Thuận không chỉ giúp mở rộng mạng lưới kết nối hàng không, mà còn hỗ trợ quảng bá hình ảnh Bình Thuận đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Do đó, cảng hàng không Phan Thiết hoạt động sẽ tạo cú hích giúp tỉnh kết nối nhanh hơn với các trung tâm kinh tế lớn trong cũng như ngoài nước.

Sân bay Phan Thiết được khởi công vào tháng 1/2015. Đến nay, các hạng mục quân sự đang được Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng đã khai thác bay quân sự vào đầu tháng 8/2024. Riêng hạng mục thuộc dân dụng do có sự điều chỉnh từ cấp sân bay cấp 4C lên cấp 4E với quy mô đường cất hạ cánh dài 3.050m, nhà ga hành khách công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Hiện, tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến việc lựa chọn thay thế nhà đầu tư để sớm tái khởi động hạng mục sân bay dân dụng theo quy định.
Dự án Đường vào sân bay Phan Thiết cùng các dự án hạ tầng giao thông khác đang thi công và hoàn thành, hứa hẹn hình thành một mạng lưới giao thông liên kết liền mạch đưa Bình Thuận bứt tốc mạnh mẽ. Khi giao thông kết nối, Bình Thuận sẽ trở thành một tỉnh trọng điểm trong khu vực về du lịch và dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số trong tương lai không xa.