CDC Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 14/1 đến 18h ngày 15/1, thành phố có thêm 2.810 ca COVID-19. Số ca mắc mới phân bố tại 492 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Thanh Trì (132); Đông Anh (125); Đống Đa (119); Hoàng Mai (115); Gia Lâm (96). Đến 9h ngày 14/1, toàn thành phố Hà Nội duy trì mức độ dịch 2 (vùng vàng), không có địa bàn quận, huyện nào ở cấp độ dịch 4 (vùng đỏ). Có 7 quận/huyện/thị xã cấp độ 3 (màu cam); 23 quận/huyện/thị xã cấp độ 2 (màu vàng).
Qua xét nghiệm tầm soát kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tính từ 8h ngày 14/1, cơ quan y tế địa phương đã ghi nhận 37 giáo viên, học sinh dương tính với SARS-CoV-2. Toàn bộ gần 1300 học sinh còn lại của nhà trường đang được quan y tế tiến hành test tầm soát. Như vậy, ngày 14/1, trên địa bàn thành phố Thanh Hoá có 44 F0 không triệu chứng được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà, nâng tổng số F0 đang điều trị tại nhà lên 47 ca.
Tính từ đến 18h00 ngày 15/01/2022, toàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận thêm 841 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 nâng tổng số ca mắc lên 19.006 ca. Trong số ca mắc mới ngày 15/1, có 755 trường hợp phát hiện qua tự đi làm xét nghiệm, 59 trường hợp F1, 9 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của Dương Kinh, An Dương và Thủy Nguyên, 14 trường hợp test nhanh dương tính, còn lại là ca bệnh nghi ngờ. Cùng ngày, Hải Phòng cũng ghi nhận số ca nguy kịch tăng với 105 ca, trong đó 14 ca phải thở máy xâm lấn, 14 ca thở HFNC, thở mark 71 ca và 3 ca tử vong do COVID-19.
Hiện nay, số ca mắc Covid-19 tại tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cao. Tại các huyện miền núi, sau nhiều tháng không xuất hiện ca mắc Covid-19 nào thì từ tháng 12 năm ngoái đến nay đã phát hiện hàng trăm ca mắc ở cộng đồng. Ngành y tế địa phương đang triển khai mô hình điều trị F0 thể nhẹ tại nhà, góp phần giảm áp lực lớn cho các cơ sở điều trị tuyến trên.
Tỉnh Bắc Kạn thực hiện kế hoạch điều trị F0 tại nhà nếu số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng cơ sở, vật chất các cơ sở thu dung điều trị.
Trong văn bản công bố cấp độ dịch của UBND TP.HCM vừa công bố, TP.HCM tiếp tục là "vùng xanh" - mức độ nguy cơ thấp. Như vậy, đây là tuần thứ 2 liên tiếp, cấp độ dịch của TP.HCM là cấp độ 1. Sở Y tế TP.HCM ban hành văn bản về việc sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. Trong văn bản này, Sở cho biết hiện số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến TP chiếm 10 - 30% công suất giường bệnh. Tuy nhiên, biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ ngày 19/1 cho đến khi có thông báo mới sẽ tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa./.