Tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên sau 2 năm, các nhà lãnh đạo G20 đã ủng hộ việc gia hạn xóa nợ cho các nước nghèo và cam kết sẽ tiêm phòng cho 70% dân số thế giới để chống đại dịch Covid-19 cho đến giữa năm 2022. Tuy vậy, trước thềm Hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc, G20 dường như đã phải vật lộn nhất trí về về các biện pháp mạnh mẽ mà các nhà khoa học toàn cầu cho là cần thiết nhằm ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu.
Các lãnh đạo G20 chụp ảnh tập thể tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome, Italy. Ảnh: Reuters
Italy – quốc gia chủ nhà của Hội nghị G20 năm nay đã đặt y tế và kinh tế lên hàng đầu trong chương trình nghị sự trong ngày đầu tiên của cuộc họp, đồng thời nỗ lực tổ chức những cuộc thảo luận về chống biến đổi khí hậu trong ngày 31/10. Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết các chính phủ phải làm việc cùng nhau để giải quyết những thách thức lớn trên toàn cầu, từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu đến việc áp thuế một cách công bằng và bình đẳng.
Trong các thỏa thuận được đưa ra, thỏa thuận về thuế doanh nghiệp được đánh giá là bằng chứng về nỗ lực hợp tác đa phương, trong đó các tập đoàn lớn phải đối mặt với mức thuế tối thiểu 15% ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động kể từ năm 2023, điều này sẽ ngăn họ cố gắng trốn thuế ở các tổ chức nước ngoài.
“Đây không chỉ là một thỏa thuận thuế. Đó là biện pháp ngoại giao giúp định hình lại nền kinh tế toàn cầu và mang lại lợi ích cho người dân”, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên Twitter.
Trong bối cảnh thế giới đang chao đảo bởi giá năng lượng tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng bị kéo dài, ông Biden dự kiến sẽ thúc giục các nhà cung cấp năng lượng của G20 thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nga và Saudi Arabia, để đảm bảo kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ hơn, một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết.
Bản dự thảo thông cáo chung do Reuters tiết lộ cho biết, G20 sẽ đẩy mạnh nỗ lực nhằm đảm bảo nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C- mức mà các nhà khoa học cho là cần thiết để tránh những mô hình biến đổi khí hậu nguy hiểm. Bản dự thảo nhấn mạnh, các quốc gia cần phải tăng cường kế hoạch giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kinh, song đưa ra rất ít chi tiết về cách thức thực hiện. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo dự kiến cam kết ngừng tài trợ cho việc sản xuất điện từ than đá vào cuối năm nay và nỗ lực hết sức để ngăn việc xây dựng những nhà máy nhiệt điện mới chạy bằng than trước cuối những năm 2030.
Hồng Anh/VOV