Chị Nga đang bán hàng Tết trên đường Lê Hồng Phong |
Gần nửa tháng nay, chị Phạm Thị Nga (trọ ở đường Lê Hồng Phong) phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị hàng kịp bán chuyến chợ sớm. Ngày thường, chiếc xe đẩy chở hàng của chị chủ yếu là chè, chuối, khoai các loại, nhưng dịp cuối năm, chị lấy thêm bưởi, cam, nghệ, gừng. “Toàn hàng lấy từ vườn của người quê, nhìn không đẹp nhưng thứ nào ra thứ ấy, cũng vì thế mà nhiều người hỏi mua”, chị Nga đon đả giới thiệu.
Nhà ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhưng chị Nga “gồng gánh” ngược xuôi theo những chuyến hàng xuống thành phố biển này hơn 10 năm. “Ở trên đó chỉ có mấy sào đất vườn, chăm chỉ làm lụng cũng không đủ tiền lo cho hai con đang tuổi ăn học và tiền thuốc cho chồng nên phải “liều”. Ban đầu là theo xe bỏ hàng cho khách, mãi sau quen đường sá mới xuống thuê trọ làm chiếc xe đẩy ngồi bán ở vỉa hè. Cực nhất là những hôm trời mưa, nhưng nếu nghỉ một ngày thì lấy tiền đâu để gửi về cho chồng con…”. Đang kể cho tôi nghe về cơ duyên xuống Phan Thiết thì câu chuyện bị ngắt quãng bởi có khách tới mua hàng. Nhìn xe hàng của chị thứ nào cũng tươi vì thế tôi chẳng thấy ai kỳ kèo khi tính tiền. “Đến mùa trái cây gì thì chị bán loại đó, tất cả đều được lựa cẩn thận ngay tại vườn. Một tháng chị về trên đó 2 lần để đặt hàng, còn chè, khoai các loại cứ 3 ngày ông xã lại gửi xuống một lần, nên lúc nào cũng có trái cây tươi ngon phục vụ khách”, chị Nga cho biết thêm.
Khi được hỏi bao giờ mới nghỉ Tết, chị cười nói: Chiều 30 Tết chị mới về. Mấy ngày này chịu khó thì bán được hàng hơn ngày thường. Chị đã hứa với con gái ra Tết chị sẽ sắm cho nó chiếc xe đạp mới để đi học.
Gánh trên vai nỗi lo cơm áo, những phụ nữ lao động nghèo từ khắp các tỉnh vào Phan Thiết mưu sinh, họ nhận đủ mọi việc để làm thuê, từ chở hàng đến lau dọn nhà cửa hay thu mua phế liệu... Họ tranh thủ những ngày cuối năm, bởi thời điểm này, công việc nhiều hơn là cơ hội để kiếm thêm thu nhập. Tết năm nay có lẽ sẽ khó quên đối với hai vợ chồng bà Đào Thị Diệu (quê Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), bởi họ ở lại đón giao thừa tại thành phố biển này. Bà Diệu ngậm ngùi: “Tôi đã mua sắm những thứ cần thiết cho Tết rồi, còn nhà cửa, việc cúng kính ở quê đã có ông bà. Mấy ngày cuối năm phế liệu nhiều nên tôi cố gắng ở lại thu gom thêm để ra Tết có khoản tiền gửi cho con trai đang học đại học ở Đà Nẵng”.
Ngày Tết cận kề, dường như bước chân của những người lao động nghèo càng trở nên hối hả hơn để mong kiếm thêm được nhiều tiền lo Tết. Dù cuộc mưu sinh còn vất vả nhưng họ cũng không quên hướng về mùa xuân với những niềm hy vọng.
Thùy Linh