Theo dõi trên

Gặp người chiến sĩ Điện Biên

07/05/2024, 05:06

Cụ Nguyễn Cồng năm nay đã 97 tuổi, người chiến sĩ Điện Biên một thời, hiện đang ở cùng người con Nguyễn Văn Dũng tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam.

Người chiến sĩ Điện Biên ở thôn Thanh Phong

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Nguyễn Cồng vẫn ngồi trên chiếc võng bắt tay các đồng chí trong Đoàn lãnh đạo của tỉnh đến thăm chiến sĩ Điện Biên vào thượng tuần tháng 5, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Anh Nguyễn Văn Dũng, người con trai của cụ ghé tai nói cho cụ nghe rõ hơn lời thăm hỏi ân cần của đồng chí Võ Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn thăm. Cụ tươi cười, gật đầu, tỏ ý cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện dành cho người cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp của các chiến sĩ Điện Biên, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng; chúc cụ Nguyễn Cồng thượng thọ sống lâu, vui tuổi già cùng con cháu. Đồng thời gửi món quà của tỉnh tri ân sự cống hiến người chiến sĩ Điện Biên một thời, góp phần vào chiến thắng lịch sử nước nhà.

tham.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Thanh Bình ân cần thăm hỏi cụ Nguyễn Cồng, người chiến sĩ Điện Biên.

Anh Nguyễn Văn Dũng cho chúng tôi biết thêm, ba anh - cụ Nguyễn Cồng sinh năm 1927, quê quán ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp sau Cách mạng tháng 8/1945, có mặt ở các mặt trận Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Với nhiệm vụ được giao là chiến sĩ thông tin liên lạc, ông vượt qua không biết bao nhiêu hiểm nguy ở mặt trận Điện Biên, chuyển thông tin kịp thời cho đơn vị cần đến, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ người lính trở về, người cựu chiến binh Nguyễn Cồng là thương binh hạng ¾, sinh sống cùng gia đình ở quê Hà Tĩnh. Mãi đến năm 1990, anh Nguyễn Văn Dũng đưa cụ Nguyễn Cồng vào sinh sống ở thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận đến nay. Hơn 30 năm ở vùng quê ven biển Tân Thuận, anh Dũng tháo vát lao động sản xuất, dịch vụ buôn bán đã xây được căn nhà mái Thái khang trang, đẹp đẽ nằm ven đường ĐT.719 để phụng dưỡng người cha thân yêu của mình.

Gia đình dân công hỏa tuyến

Cũng trong dịp này, Đoàn lãnh đạo tỉnh do đồng chí Võ Thanh Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dẫn đầu đã đi thăm gia đình thân nhân chiến sĩ, dân công hỏa tuyến từng tham gia Chiến dịch Điện Biên, đang sinh sống tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận. Đó là gia đình các chiến sĩ Điện Biên cao tuổi đã mất (Võ Phi Khanh, Nguyễn Khang, Ngô Xuân Trường), gia đình dân công hỏa tuyến (bà Võ Thị Xuân và ông Bùi Văn Ngó đã từ trần). Tại các gia đình chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến, đồng chí Võ Thanh Bình cũng đã thăm hỏi, động viên, tặng quà của tỉnh cho thân nhân những người có công với nước. Đồng chí mong muốn gia đình chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến tiếp tục giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương Tân Thuận, Hàm Thuận Nam ngày càng giàu đẹp.

Anh Võ Văn Thoáng, Trưởng thôn Thanh Phong, con của chiến sĩ Điện Biên Võ Phi Khanh (đã mất), chia sẻ với chúng tôi về người cha thân yêu của mình. Ông Võ Phi Khanh cùng quê với cụ Nguyễn Cồng, vinh dự tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Ông tiếp tục lên đường vào chiến trường miền Nam chống Mỹ trong thời gian 1963- 1969, tham gia nhiều trận đánh vùng đất lửa Khe Sanh, giải phóng các cứ điểm của Mỹ ngụy dọc đường số 9 lên biên giới Việt - Lào, làm cơ sở cho tỉnh Quảng Trị được giải phóng đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến sĩ Võ Phi Khanh nhận được danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” trong quân ngũ, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Sau này, ông Võ Phi Khanh sống cùng con trai là anh Võ Văn Thoáng ở thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, rồi mất tại đây, hưởng thọ 77 tuổi. “Còn mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Đắt từng là dân công hỏa tuyến mặt trận Thượng Lào, thời kháng chiến chống Pháp; được hưởng chế độ một lần của Nhà nước. Bà cũng đã mất, hưởng thọ 69 tuổi”, anh Võ Văn Thoáng cho biết thêm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, toàn thôn Thanh Phong có 11 cụ thuộc diện dân công hỏa tuyến phục vụ mặt trận Thượng Lào, Trung Lào thời kháng chiến chống Pháp, nay chỉ còn một cụ thượng thọ 86 tuổi, còn lại đã mất. Trước đó, gia đình các dân công hỏa tuyến trên đều được hưởng chế độ một lần của Nhà nước ban hành ưu đãi người có công trong kháng chiến. Bên cạnh đó, toàn thôn có 27 gia đình thương binh, liệt sĩ (tham gia trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ) đang được hưởng chế độ hàng tháng. Nhiều năm qua, vùng đất lành Thanh Phong đã quy tụ thêm những người dân từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị vào lập nghiệp, đến nay đã có 742 hộ; trong đó 2/3 số hộ gia đình khá giả trở lên, còn lại đời sống ổn định.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan

Ký kết chương trình phối hợp về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
BTO-Chiều 6/5, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030 (gọi chương trình phối hợp).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp người chiến sĩ Điện Biên