Theo dõi trên

Gầy dựng “văn hóa đọc” trong giới trẻ

08/03/2019, 14:02

BT- Trong cuộc sống thường nhật ai cũng hiểu sách là một kho tàng kiến thức, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú, đa dạng. Đọc sách là biện pháp tự học hữu hiệu nhất và ai cũng có thể làm được. Đọc sách nhiều sẽ đem lại sự thư giãn và cảm thấy hưng phấn, thụ hưởng nguồn cảm hứng từ nhân vật, sự kiện trong sách. Mặt khác, sách giúp chúng ta trở thành người thành đạt trong sự nghiệp và cuộc sống. Điều ai cũng cảm nhận được là đọc những cuốn sách hay sẽ cung cấp cho bản thân có những ý nghĩ cao thượng, ý tưởng hay để vận dụng trong công việc hàng ngày. Vì thế, rèn luyện một thói quen đọc sách mỗi ngày, lúc rảnh rỗi hoặc trước lúc đi ngủ sẽ mang lại những lợi ích vô cùng quý giá, giúp cho bộ não khỏe mạnh, linh hoạt, thưởng thức cuộc sống đa dạng.

                
Học sinh Trường tiểu học Xuân An đọc sách    Thư viện tỉnh chuyển về.

Để tạo thói quen đọc sách, ngoài sự kiên trì cố gắng rèn luyện của bản thân thì còn có sự tác động từ bên ngoài, ngoại cảnh, xã hội như: Cung cấp nguồn sách hay từ thư viện, hiệu sách; tìm hiểu sách qua internet, mạng xã hội… Nhất là đối với giới trẻ tạo thói quen đọc sách mỗi ngày là rất cần thiết và cần sự quan tâm của phụ huynh, nhà trường, các tổ chức xã hội khác. Bởi lẽ, trên thực tế “văn hóa đọc” trong giới trẻ đang bị mai một, rất ít khi thấy thanh, thiếu niên cầm đọc cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, nếu có cũng chỉ đọc truyện tranh, truyện cổ tích mà thôi.

                
Học sinh Trường tiểu học Mương Mán đọc sách    trong ống tre.

Tôi được biết thời gian gần đây nhằm gầy dựng lại “văn hóa đọc” trong giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh tiểu học, trung học cơ sở, hệ thống thư viện, bưu điện văn hóa xã, thư viện trường học, thư viện cấp huyện, cấp tỉnh… đã đầu tư kinh phí tăng thêm các bản sách phù hợp với giới trẻ. Đồng thời, tổ chức các mô hình thư viện mới, lạ để thu hút người đọc như: “Thư viện gốc cây” ở Trường tiểu học Hàm Mỹ, “Thư viện ống tre” ở Trường tiểu học Mương Mán (Hàm Thuận Nam), thư viện sách kết hợp internet trên xe hơi của Thư viện tỉnh… nhằm đưa sách đến tận tay người đọc. Trong năm 2018, Thư viện tỉnh đã đưa hơn 3.000 bản sách đến với 10 trường học trong tỉnh, phục vụ cho hơn 7.000 lượt học sinh, giáo viên đọc sách. Cuối tháng 2/2019 chúng tôi đã chứng kiến hai nhân viên Thư viện tỉnh đã đưa 1.000 bản sách về Trường tiểu học Xuân An phục vụ cho hơn 400 học sinh, giáo viên đọc sách. Nhà trường đã dành 30 phút giờ ra chơi để các em chọn và đọc những cuốn sách yêu thích nhất. Giờ ra chơi bỗng trở nên khác lạ, giống như lễ hội đọc sách. Cô giáo Tống Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân An chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Thư viện tỉnh đưa sách về trường giúp học sinh tiếp cận với nhiều loại sách, trong đó sách truyện tranh, truyện thiếu nhi, truyện cổ tích… đã thu hút khá nhiều học sinh. Hoạt động có ý nghĩa này đã tạo cho các em ý thức đọc sách, gầy dựng lại “văn hóa đọc” trong giới trẻ hiện đang mai một. Nhà trường mong muốn có nhiều đợt đưa sách về trường như thế này nhằm tạo thói quen đọc sách trong từng học sinh. Qua đó giúp học sinh mở mang kiến thức, vốn từ ngữ và trưởng thành hơn trong học tập, cuộc sống.

Hồ Nhật



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gầy dựng “văn hóa đọc” trong giới trẻ