Yêu lịch sử Việt Nam qua nền tảng mạng xã hội
Trong không gian của một quán cà phê tại TP.Phan Thiết, chúng tôi vô tình bắt gặp một nhóm 3 học sinh của Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo đang say sưa coi các clip ngắn về lịch sử Việt Nam trên nền tảng Tiktok, Facebook, Instagram. Bạn Phạm Đào Phúc Nhiên đưa cho chúng tôi xem một đoạn clip ngắn trên Tiktok gồm những hình ảnh có chứa nội dung: “Vì con khóc do đói, sợ lính Mỹ phát hiện, bà Lê Thị Nghê năm đó 32 tuổi đã chôn sống đứa con 3 tháng tuổi để bảo toàn tính mạng cho dân làng. Người mẹ đau đớn hóa điên dại suốt 46 năm, có khi bà còn đốt nhang một mình đi vào rừng để tìm con”. Nhiên xúc động khi qua clip biết đến một nhân vật đã phải hy sinh đứa con của mình để cứu sống cả dân làng thoát khỏi sự truy quét của lính Mỹ. Cũng từ những clip về lịch sử trên nền tảng Tiktok, Nhiên đã có niềm đam mê và cách tìm hiểu lịch sử của riêng mình.
Chung niềm đam mê với Nhiên, dù học chuyên toán nhưng 2 bạn Nguyễn Lâm Minh Đức và Nguyễn Lê Anh Tài cũng tìm niềm cảm hứng với lịch sử thông qua các nền tảng mạng xã hội. Bạn Nguyễn Lâm Minh Đức thường xem lịch sử qua Youtube, thấy được những góc nhìn về thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, từ đó khâm phục cách chỉ huy và tầm nhìn của các nhà quân sự Việt Nam. Từ những clip lịch sử bổ ích, Đức thường chia sẻ cho các bạn có cùng đam mê. Đối với bạn Nguyễn Lê Anh Tài thì những kiến thức lịch sử đến một cách rất tự nhiên thông qua Fanpage Dòng Máu Việt. Fanpage đã truyền tải đến Tài một niềm đam mê, những bài học lịch sử của cha ông ta trong quá trình đấu tranh giành hòa bình; giáo dục thế hệ trẻ về việc phải không ngừng học tập, rèn luyện để xứng đáng là thế hệ mới của đất nước.
Tự mình là lá chắn vững vàng trên không gian mạng
Việc học lịch sử thông qua các nền tảng mạng xã hội chỉ là một phần nhỏ. Thực tế giới trẻ đang được bao quanh bởi công nghệ số. Cuộc sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày của giới trẻ đều có ảnh hưởng bởi việc sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh và Internet. Có thể chúng ta lo ngại việc các bạn trẻ thiếu kỹ năng để nhận biết thông tin độc hại, tin giả. Nhưng không hẳn!. Thế hệ trẻ hiện nay đã trang bị cho mình một nhận thức đúng, không ngừng làm giàu kỹ năng sống cho mình; đặc biệt là kỹ năng phân tích, lựa chọn, sàng lọc thông tin một cách chủ động.
Bạn Nguyễn Lê Anh Tài nhận thức mạng xã hội chính là con dao hai lưỡi, dễ truyền tải thông tin, nhưng nếu người dùng, nhất là người trẻ không có một nền tảng kiến thức vững chắc để biết cách chọn lọc thông tin thì rất nguy hiểm. Do đó, cần vài giây để định hình thông tin đó là đúng hay sai. Hành động tiếp theo là thông báo đến bạn bè, người thân những Fanpage, thông tin không đúng sự thật để cùng lan tỏa sự cảnh giác, đề phòng trước những thông tin sai trái, độc hại.
Việc định hình bộ lọc cá nhân sẽ góp phần tạo hệ miễn dịch số để người trẻ có thể sàng lọc, chắt lọc thông tin, tăng sức đề kháng và có cách phòng tránh trước những thông tin tiêu cực, xấu độc trên mạng xã hội. Bạn Phạm Đào Phúc Nhiên khẳng định người trẻ thời mạng xã hội phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Với những thông tin mình nhận định nó là sai thì ngay lập tức nhấn “Reports”, thậm chí là “Unfollow” Fanpage đó, để không phải nhận những thông tin xấu độc. Đồng thời lan tỏa trên trang cá nhân của mình những thông tin tốt đẹp để bạn bè, mọi người cùng biết.
Có thể thấy với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, các bạn trẻ hiện nay đã nhìn thấy những mặt tích cực và những nguy cơ, rủi ro từ mạng xã hội, để từ đó có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra những hình ảnh tích cực, lối sống văn minh trên không gian mạng; hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, những ảnh hưởng xấu từ mặt trái của mạng xã hội đến bản thân và cộng đồng.