Theo dõi trên

Giá cao, thị trường phân bón trầm lắng

25/06/2021, 09:33

BT- Như thường lệ, vào vụ hè thu hàng năm, đây là thời điểm nông dân tập trung đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để chăm sóc cây thanh long, lúa và hoa màu. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra ở hầu hết các đại lý phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh là giá bán phân bón tăng, sức mua giảm mạnh…

Toàn tỉnh hiện có trên 700 cửa hàng phân bón, thuốc BVTV, rải khắp các huyện, thị, thành phố. Trong đó, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam là 2 địa phương có mật độ cửa hàng khá dày, lâu nay luôn phục vụ nhu cầu chăm sóc cây trồng cho nông dân. Tuy nhiên, khác với thời điểm này mọi năm, không khí tại các điểm bán ở Hàm Thuận Bắc khá trầm lắng.

Tìm hiểu nguyên do, chúng tôi được chị Bùi Thị Hồng Thu - chủ cửa hàng phân bón, thuốc BVTV Bảy Phụng, thôn Phú Lập, xã Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: Khoảng từ đầu tháng 4/2021 đến nay, giá đầu vào một số loại phân bón tăng cao, khoảng 50.000 đồng/bao 50 kg. Thậm chí, urê tăng cao nhất với 100.000 đồng/ bao. Hiện tại mặt hàng đạm có giá 530.000 đồng/bao 50 kg, lân 180.000 đồng/bao, kali 450.000 đồng/bao, phân u rê 610.000 đồng/ bao. Chị Thu giải bày, trong điều kiện dịch Covid-19, giá vật tư và chi phí vận chuyển tăng nên rất khó khăn trong nhập hàng.

Còn tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Hải Lý, thôn Phú Thái, xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc), mới 10 giờ sáng nhưng anh Vũ Ngọc Hùng - chủ cửa hàng đã đóng cửa nghỉ sớm. Anh Hùng cho biết: Mấy năm nay, thị trường chính của cửa hàng là nông dân địa phương mua phân bón để đầu tư chăm sóc thanh long. Tuy nhiên, vào thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thanh long chính vụ tại vườn chỉ còn từ 500 - 2.000 đồng/kg, nên bà con đã bỏ mặc, hạn chế đầu tư. Chính vì vậy, sức mua tại cửa hàng đã giảm hơn một nửa so thời điểm năm ngoái, kéo theo doanh thu giảm mạnh, phải cầm cự qua mùa dịch.

Nông dân e dè về giá khi mua vật tư nông nghiệp

Trước sự sụt giảm lượng người mua phân bón để đầu tư vào thanh long, có lẽ hy vọng nhất của các cửa hàng vật tư nông nghiệp thời điểm này lại đổ dồn về diện tích lúa hè thu vừa mới hoàn thành xuống giống. Hiện nông dân đang tập trung mua phân bón, thuốc BVTV để chăm sóc lúa giai đoạn đầu. Tuy nhiên, không những giá bán phân bón tăng, mà các loại thuốc BVTV cũng tăng 10-15% tất cả các mặt hàng, khiến cả người bán lẫn người mua đều tỏ ra e dè.

Về phía nông dân, trước tình hình giá phân bón tăng cao, trong khi giá cả thanh long vụ mùa thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều hộ đã giãn đầu tư, bẻ búp để dưỡng cây.  Ông Nguyễn Văn Hảo, xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) cho biết, gia đình có 1.000 trụ thanh long, dự kiến khoảng nửa tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Nhưng  do mức đầu tư phân bón quá cao nên chủ yếu chăm sóc  tự nhiên, ít đầu tư phân bón. Riêng diện tích sản xuất lúa, do giá cả và thị trường vẫn ổn định nên gia đình vẫn cố gắng đầu tư theo đúng lịch sinh trưởng…

Câu hỏi đặt ra là vì sao giá cả mặt hàng phân bón, thuốc BVTV lại tăng kỷ lục so với mọi năm? Theo tìm hiểu được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới nói chung và cả nước nói riêng, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, do lượng hàng tồn kho giá thấp đã hết nên mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam bị điều chỉnh tăng theo mức giá chung trên thị trường thế giới. Qua đó, để đảm bảo việc nhập khẩu và cung ứng phân bón được ổn định, liên tục. Giá phân u rê thế giới tăng cao do nhu cầu tại một số quốc gia tăng đột biến trong khi nguồn cung từ các khu vực sản xuất lớn bị thiếu hụt vì thiếu nguyên liệu khí, chi phí sản xuất tăng cao và việc đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu đã đẩy cước vận chuyển gia tăng…

Sự biến động của thị trường phân bón, tựu chung lại, người chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn là nông dân, khi hiện tại giá nông sản thấp, trong khi chi phí đầu vào lại rất cao.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá cao, thị trường phân bón trầm lắng