Sau khi cam kết với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng “nước Mỹ đã trở lại” và ngoại giao đa phương sẽ định hướng cho chính sách đối ngoại của Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được các đối tác châu Âu chào đón nồng nhiệt, với cuộc họp thượng đỉnh G7 “đầy những nụ cười” vào tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, hàng loạt các bước đi từ Afghanistan đến Đông Á và mới nhất là quan hệ đối tác an ninh 3 bên vừa công bố khiến giới quan sát nhận định như một cái kết đột ngột cho một “mùa hè nồng nhiệt” trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Từ trái sang: Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại buổi họp công bố về việc thiết lập AUKUS. (Ảnh: Getty Images).
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian bày tỏ "hoàn toàn không hiểu" trước động thái của Mỹ: “Quyết định đơn phương, không thể đoán trước này khiến tôi nhớ lại rất nhiều điều mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng làm”.
Trong khi Cao Ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borell phàn nàn rằng châu Âu đã không được tham vấn về vấn đề này.
“Hạt giống căng thẳng” được gieo mầm và bắt đầu nở rộ gần đây với thỏa thuận Mỹ-Đức về Dự án dòng chảy phương bắc 2, khiến Ba Lan và Ukraine bất mãn, sau đó là việc Mỹ rút khỏi Afghanistan một cách hỗn loạn, khiến châu Âu cũng phải vất vả theo kịp. Và mới nhất là quyết định thành lập liên minh với Anh và Australia - một sáng kiến an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới nhằm chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc ngay lập tức phản ứng một cách giận dữ, cáo buộc Mỹ và các đối tác bắt tay vào một dự án gây mất ổn định ở Thái Bình Dương, gây tổn hại đến an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, Pháp và Liên minh châu Âu cũng có thái độ gay gắt tương tự, khi cả hai đều phàn nàn rằng họ không chỉ bị loại khỏi thỏa thuận, mà còn không được tham vấn.
Theo thỏa thuận mới, Pháp sẽ mất hợp đồng thế kỷ đóng tàu ngầm cho Australia. Do đó, sự tức giận của Pháp trên bình diện thương mại thuần túy sẽ là điều dễ hiểu, đặc biệt là kể từ khi Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất có sở hữu lãnh thổ đáng kể hoặc hiện diện quân sự lâu dài ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên các quan chức Pháp và Liên minh châu Âu đang đẩy vấn đề đi xa hơn khi đặt câu hỏi về nỗ lực hợp tác tập thể với Mỹ, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề tự chủ chiến lược của châu Âu.
Cao Ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borell cho rằng: “Liên minh châu Âu không được tham vấn. Chúng tôi là các bên liên quan và điều này buộc chúng tôi một lần nữa - cũng là cơ hội tốt để nhắc nhở bản thân - suy nghĩ về sự cần thiết phải đặt vấn đề tự chủ chiến lược của châu Âu trở thành ưu tiên. Điều này cho thấy chúng ta phải tự mình tồn tại".
EU hôm qua cũng công bố một chiến lược mới để thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị và quốc phòng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chỉ vài giờ sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận. EU hy vọng chiến lược này sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hiện diện của châu Âu tại khu vực chiến lược quan trọng này, với nhấn mạnh sự hợp tác với Trung Quốc là rất cần thiết trong một số lĩnh vực.
Trước phản ứng giận giữ của Pháp và châu Âu, Mỹ đang cố tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ Antoni Blinken khẳng định: “Mối quan hệ đối tác với Australia và Anh là một tín hiệu cho thấy Mỹ cam kết hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình, bao gồm cả ở châu Âu, để đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Mỹ hoan nghênh các nước châu Âu đóng vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khẳng định hợp tác với châu Âu, đặc biệt là Pháp trong vấn đề này. Tuy nhiên cách thức ra sao để hai bên hợp tác chặt chẽ vẫn đang cần chờ đợi những bước đi cụ thể tiếp theo.
Phạm Hà/VOV