Theo dõi trên

Giá hàng hóa chỉ tăng không giảm, người tiêu dùng ôm 'cục tức'

28/07/2022, 09:50

Kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm mạnh theo xăng dầu nhưng sau nhiều ngày chờ đợi, người tiêu dùng thất vọng khi thấy giá chỉ tăng mà không chịu giảm.

"Giá hàng hóa tăng thì nhanh lắm, nhưng giảm thì nhỏ giọt, thậm chí là thường xuyên không giảm. Một bát phở tăng vọt lên 35.000 đồng với lý do bị ảnh hưởng bởi xăng tăng giá nhưng giờ khi xăng hạ mạnh thì khách vẫn phải chịu mức giá cũ. Hỏi thì người bán phở nói mọi nguyên liệu có thấy giảm gì đâu. Vậy là nghiễm nhiên phở có mặt bằng giá mới, thực khách phải chấp nhận chi tiền nhiều hơn", chị Thu Hằng (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chán nản nói. 

Chị Hằng cho biết thêm, từ khi giá xăng giảm mạnh, chị luôn để ý xem có mặt hàng nào giảm theo không, vì trước đó nhiều món hàng tăng rất mạnh khiến mỗi lần đi chợ chị luôn phải tính toán, đắn đo. Nhưng chờ đã nhiều ngày mà chị Hằng không thấy các loại rau xanh hay lương thực, thực phẩm nhúc nhích như chị hy vọng. Những người bán hàng trước kia từng trả lời chị là do giá xăng tăng nên phải điều chỉnh giá hàng hóa thì nay lại lý giải chưa thấy giá nhập vào giảm nên vẫn phải bán như trước.

“Tôi thấy xăng giảm hơn 6.000 đến gần 7.000 đồng/lít nên tôi nghĩ rằng chắc không nhiều thì cũng phải một vài món hàng rẻ hơn, nhưng thực tế lại không như vậy. Đây cũng không phải lần đầu thực trạng này xảy ra. Dường như giá cả cứ leo thang, thiết lập mặt bằng mới rồi ở lỳ như thế, đợi cơ hội lại tăng thêm chứ không thấy giảm”, chị Hằng nói.

Chỉ vào các loại rau củ như khoai lang, khoai tây, cải thảo, bí xanh…tại một mẹt hàng, chị Hằng cho biết, mức giá 25.000 đồng/kg này đã được thiết lập khi giá xăng lên đỉnh điểm cách đây gần 1 tháng, trong khi trước đó, các loại rau củ này chỉ khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg.

“Không chỉ rau củ, thịt cá giữ giá cao mà nước mắm, dầu ăn, mì chính cũng vẫn cao ngất. Lúc xăng tăng thì sao những thứ này tăng nhanh thế mà đến lúc xăng giảm, mãi chả có thứ gì giảm theo”, chị Hằng thất vọng.

hang.jpg
Người tiêu dùng khó khăn khi các mặt hàng đua nhau tăng giá. (Ảnh minh họa)

Một điều nữa khiến chị Hằng bức xúc là khi đẩy giá tăng, các tiểu thương đều lấy lý do giá xăng đắt đỏ khiến mọi chi phí đắt theo. Trong khi đó, lúc giá xăng giảm, người bán lại khẳng định, giá xăng không tác động nhiều đến thị trường hàng hóa, xăng có rẻ hơn nữa cũng chưa chắc kéo được giá hàng hóa đi xuống.

Cũng ôm nỗi thất vọng như vậy, chị Nguyễn Thị Lan Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) còn giật mình khi giá nhiều loại hàng không những không giảm mà còn tăng mạnh và đi kèm với đó là rất nhiều lý do để hợp lý hóa của tiểu thương.

“Chủ hàng thịt heo báo giá 140.000 đồng/kg thịt ba chỉ. Tôi giật mình hỏi sao đắt thế thì nhận được câu trả lời thịt heo tăng giá là do nguồn cung giảm chứ không liên quan đến giá xăng. Trong khi mới trước kia, họ viện lý do giá xăng đắt làm chi phí vận chuyển rồi các nguyên liệu, dịch vụ khác đắt theo khiến họ phải tăng giá bán", chị Hoa kể lại.

“Vô lý nhất là ở chỗ giá thịt heo thậm chí còn cao hơn lúc giá xăng trên đỉnh hơn 30.000 đồng/lít. Khi đó 1kg thịt ba chỉ có giá 110.000 đồng. Chẳng lẽ giá xăng dầu không liên quan gì đến giá thịt heo, hay người bán đang cố tình ghìm giá không chịu giảm?”, chị Hoa thắc mắc.

Đi một vòng từ hàng thịt bò, thịt gà, cá, tôm… và nhận ra rằng chẳng có thứ gì rẻ đi cả, chỉ có mặt hàng đắt lên, chị Lê Thảo (Đống Đa, Hà Nội) nghi vấn: những người bán lẻ đang cố gắng giữ giá cao để kiếm lợi với tâm lý được ngày nào hay ngày đó?

“Không mua thì không được nhưng phải mua với giá vô lý như thế này khiến tôi rất ấm ức. Nhiều người chắc chắn đang trục lợi, không chịu điều chỉnh giá bán với đủ lý do mà người tiêu dùng không thể kiểm soát được”, chị Thảo nói.

Không ít người cũng như chị Thảo bức xúc vì giá hàng hóa không hợp lý nhưng cuối cùng cũng đành thỏa hiệp, chấp nhận mức giá bất hợp lý.

"Rất phản đối tình trạng này nhưng lại không biết kêu ai. Cũng muốn tẩy chay không mua hàng ở những chỗ giá đắt nhưng chỉ một số ít làm thế thì không ăn thua, trong khi hàng hóa thì vẫn phải mua hàng ngày và nơi nào hầu như cũng bán đắt", chị Thảo nói thêm.

Chị Thảo cũng tỏ vẻ bức xúc khi mà Luật Giá đã có nhưng trên thực tế, hầu hết giá cả trên thị trường tự do đang được thả nổi, các trường hợp tăng giá, ghim giá theo kiểu "té nước theo mưa" không bị xử lý.

"Nếu cơ quan chức năng không kiểm soát thì tình trạng này sẽ còn diễn ra, tiểu thương vẫn cố thủ giữ giá. Giả sử giá xăng dầu quay đầu tăng liên tiếp, chắc chắn đó là cái cớ để một mức giá mới lại được lập nên rồi lại tiếp tục không giảm. Cuối cùng, sẽ chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt", chị Thảo dự báo./.

VOV.VN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Khôi phục đường bay quốc tế đến Đà Lạt sau hơn 2 năm tạm ngừng
Đây là chuyến bay quốc tế chở khách du lịch đầu tiên đến Đà Lạt - Lâm Đồng sau hơn 2 năm tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá hàng hóa chỉ tăng không giảm, người tiêu dùng ôm 'cục tức'