Theo dõi trên

Giá lúa ổn định... nhưng nông dân lỗ

03/05/2022, 05:52

Dẫu giá lúa ổn định, nhưng người trồng lúa đang đối mặt với việc sản xuất không có lãi. Đâu là giải pháp căn cơ, chia sẻ khó khăn với người nông dân.

lua.jpg.jpg
Phun thuốc trừ sâu cho cây lúa. Ảnh: Ngọc Lân

Giá phân cao... sản xuất lúa lỗ

Vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn huyện Tánh Linh gieo trồng 8.650 ha diện tích gieo trồng lúa, tăng 600 ha so với cùng kỳ, với sản lượng 64.800 tấn. Năng suất đạt trung bình 60 - 70 tạ/ha.

Ông Phạm Đình Đảm - Phó Chủ tịch UBND xã Nghị Đức (Tánh Linh) cho biết: Các vụ trước, người trồng lúa thu hoạch 7 - 7,5 tạ/sào. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2021 -2022, sản lượng thấp hơn chỉ đạt 6 - 7 tạ/sào. Giá lúa tươi ở mức dao động từ 4.700 - 5.200 đồng/ kg, tùy thuộc vào màu sắc, chất lượng lúa đẹp hay xấu, làm người trồng không có lãi. Nguyên nhân là giá phân bón, thuốc trừ sâu bệnh tăng cao, người nông dân giảm đầu tư phân bón cho mỗi sào còn 50 - 60 kg. Điều này dẫn đến sản lượng, chất lượng lúa thấp hơn. So với trước đây, mỗi sào đầu tư 70 - 80 kg phân bón.

Anh Nguyễn Văn Lý, người trồng lúa ở xã Nghị Đức, chia sẻ: Nhà anh có 4 sào lúa, vụ đông xuân này lỗ nặng, do phân bón quá cao. Tiền đầu tư cho 1 sào lúa gồm: 2 triệu đồng phân u- rê, NPK, các chi phí khác như cày - lồng ruộng trước khi gieo lúa, thuốc trừ sâu, tiền công gặt... ước tính tổng chi phí sản xuất khoảng 3 triệu đồng/sào/vụ. Nếu lúa chín đầu vụ, thì giá còn cao chút. Lúa chín giữa và cuối vụ, thì thấp dần. Bài toán cộng trừ về chi phí sản xuất lúa, người nông dân lỗ vốn. Gia đình nào có diện tích vài ha, nhờ vào tiền bán rơm, bù lỗ phần nào.

Được biết, giá phân bón tăng là tình hình chung diễn ra khắp nơi. Trong khi đó, các nơi đều có nhu cầu về phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Điều này sẽ làm tăng thêm khó khăn trong sản xuất cung ứng nông sản, đặc biệt cây trồng chủ lực. Việc phân bón tăng giá là “đòn đánh mạnh” trong ngành sản xuất nông nghiệp, dẫn đến nhiều hệ lụy từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Tùy tình huống

Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh, trước tình hình giá phân bón tăng cao Phòng đã lập đoàn thanh kiểm tra các cửa hàng, đại lý cung ứng phân bón nhưng không phát hiện tình trạng gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, găm giá để đẩy giá phân bón lên cao. Giá bán cao chủ yếu do nhà sản xuất cung ứng giá cao. Các cửa hàng, đại lý đều có bảng niêm yết, chứng từ nguồn gốc đầy đủ...

Toàn huyện Tánh Linh hiện có hơn 2.000 ha gieo trồng lúa vụ hè thu trong tổng số 8.500 ha, đạt 22,5% kế hoạch. Chủ yếu xuống giống ở diện tích đã thu hoạch vụ đông xuân sớm, gần sông suối, ao hồ để tránh thiên tai, và ở những nơi chủ động nguồn nước. Vụ hè thu chính vụ sẽ tập trung gieo trồng trong tháng 5/2022.

Như vậy, thời điểm xuống giống vụ mới đang kề cận, nhưng không ít nông dân đang còn dè dặt, đắn đo có xuống giống hay không? Do chi phí sản xuất tăng, giá lúa bán không tăng, người nông dân lỗ. Hộ nào khéo léo hơn thì được huề vốn.

Cũng theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh, phòng cũng khuyến cáo người nông dân sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm. Hạn chế lạm dụng phân bón u-rê, phân vô cơ bởi dễ phát sinh sâu bệnh, làm tăng thêm chi phí thuốc phòng trừ sâu bệnh. Thay vào đó, người trồng sử dụng phân hữu cơ trong nước, giá thành thấp hơn, góp phần giảm chi phí sản xuất. Hơn thế nữa, phân hữu cơ không chỉ đáp ứng nhu cầu, sinh trưởng cho cây trồng mà còn cải thiện vi sinh vật, dinh dưỡng trong đất.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cử tri lo lắng nạn phân bón giả
BTO- Trong 2 ngày 11 và 12/10, ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc sở Giao thông vận tải, Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận đã tiếp xúc cử tri tại thị trấn Đức Tài, xã Đức Tín (Đức Linh), xã Bắc Ruộng, thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh). Sau khi nghe thông báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật, các vấn đề kinh tế xã hội quan trọng khác, cử tri các xã thị trấn 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh đã có nhiều kiến nghị về tình hình của Địa phương.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá lúa ổn định... nhưng nông dân lỗ