Trên cơ sở quy hoạch du lịch năm 2004, địa bàn La Gi có 48 dự án du lịch được tỉnh chấp thuận đầu tư và 4 khu du lịch cộng đồng Tam Tân, Dốc Trâu, Đồi Dương, Cam Bình. Nhưng đến nay chỉ có một số dự án đã đưa vào hoạt động như Mỏm Đá Chim, Thiên Đăng, Đất Lành, Ba Thật, Hòn Bà Lagi, Aurore Mũi Đá, Nhà Bè, Coco BeachcampLagi, Sun shine Bảo Anh… Như vậy, sau gần 15 năm, hàng trăm mẫu đất vàng bờ biển bị lãng phí, hàng trăm hộ dân liên quan đến dự án treo và đòn bẩy phát triển đô thị biển cũng gặp nhiều hạn chế.
Một góc dự án đầu tư dang dở.
Phát triển du lịch không chỉ dựa vào thiên nhiên
Phải nói đến điểm nhấn du lịch tự phát ở La Gi được bắt đầu từ những năm khi lượng khách thập phương đến với dinh Thầy Thím vào dịp lễ hội rằm tháng 9 hàng năm ngày càng nhiều. Từ đó không những khách hành hương tín ngưỡng mà kéo theo khách tham quan, nghỉ dưỡng khi nhận ra cảnh biển Tam Tân có một không gian êm đềm, hấp dẫn. Trước đó, ông Trần Việt Hải là Chủ tịch UBND xã Tân Hải đã mạnh dạn dời bãi xe khách hành hương từ khu vực chùa Quảng Hương xuống ngảnh Tam Tân, kéo theo cả xóm làm dịch vụ kinh doanh du lịch tạo nên diện mạo mới cho làng biển này.
Nhắc đến bối cảnh làm du lịch lúc này, đó là khu du lịch Mỏm Đá Chim Resort được xây dựng từ năm 2004 sớm nhất ở đây nhưng đến 3 năm sau mới đi vào hoạt động. Công trình này có 100 phòng loại sang trọng, trên đoạn bờ biển 320 m nhưng phải “gồng” mình nhiều năm đầu chịu lỗ. Trong khi đó có đến gần trăm nhà nghỉ, phòng trọ tư nhân mọc lên phá vỡ cả khu quy hoạch du lịch cộng đồng, nhưng lại thu hút nhiều du khách. Những năm đó, đối tượng khách phần đông là khách hành hương… chỗ ăn nghỉ chỉ đơn giản, nhẹ tiền. Một chỗ nằm ở phòng tập thể mất vài chục ngàn đồng qua đêm. Vậy thì phòng nghỉ cỡ hotel, bungalow phải từ 700.000 - 1,8 triệu đồng, sẽ trở thành xa xỉ. Còn khách thực sự nghỉ dưỡng, nơi đây lại quá buồn tẻ, hoang vắng, thà đi thêm vài chục cây số đến thẳng Mũi Né hay tạt phía Long Hải, Vũng Tàu… Rồi các khu du lịch Ba Thật, La Gi, Đất Lành… ra đời nhưng còn lạc lõng giữa những dự án treo. Đoạn đường du lịch Tân Bình - Tân Hải (DL08) dài 7 km lẽ ra chạy cặp sát biển lại điều chỉnh vào sâu 1 km để nay nhộn nhịp cảnh buôn bán đất nhưng cũng vừa làm cái cớ cho hàng chục dự án “treo” với lý do không có đường vào... Tại địa bàn Cam Bình (Tân Phước) với 12 dự án vẫn nằm nguyên trên giấy dù ở đó còn những mảng rừng dương phòng hộ, khung cảnh hữu tình. Con đường Lê Minh Công nối dài từ khu thương mại thị xã (chợ La Gi) lên Cam Bình nhưng đến gần 10 năm rồi cũng chỉ có các khu du lịch Nhà Bè, Sun Seatbeach, Coco Beachcamp…
Những bất cập trong đầu tư và quản lý nhà nước
Có thể thấy trong 48 dự án (sau này có một số nhập lại còn 31 dự án) trên địa bàn bờ biển La Gi đến nay có không dưới 60% đã thay tên, chuyển chủ. Tất nhiên có những kiểu “lách” quy định của tỉnh đề ra về việc ngăn chặn sang nhượng dự án khi chưa hội đủ giá trị hạng mục công trình. Hàng năm vẫn có ít nhất một lần thanh tra các dự án do tỉnh chủ trì để tháo gỡ, rồi cũng có những “thông báo” thu hồi hoặc cho gia hạn các dự án trì trệ… Nhưng con số vài dự án thu hồi vẫnn không đáng kể hoặc chỉ gọi là.
Tôi nhớ khoảng năm 2004, mức đền bù khoảng 100.000 đồng/m2 và đồng thời với biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng một cách quyết liệt. Nhưng nay với thời điểm hiện tại, giá trị đền bù tiền đất trên dự án thỏa thuận không dưới 400 triệu đồng cho một sào, tức tăng gấp 4 lần. Vì giá trị đất cao nên rộ theo tình trạng khiếu kiện, đòi quyền sử dụng đất càng tăng. Điểm nóng ở La Gi là khu quy hoạch du lịch Cam Bình, hầu như dự án nào cũng gặp tình trạng đất “da beo” giữa Nhà nước giao cho dự án và người dân. Cũng có nhiều vụ khiếu kiện ra tòa và người dân thắng kiện. Nhiều dự án vin vào đó để có lý do không thể triển khai xây dựng được. Thậm chí có dự án rộng trên 5 mẫu mà vướng chỉ nửa sào đất hợp pháp của dân vẫn kỳ kèo lấy lệ để có cớ chưa thể triển khai. Trong đó không ít chủ đầu tư không có khả năng tài chính hoặc cố giữ đất chờ sang nhượng… Cũng qua đó mới bộc lộ rõ ở La Gi và trước đó là huyện Hàm Tân (cũ) với nhiều trường hợp gần như buông lỏng trong quản lý nhà nước về đất đai, thiếu biện pháp ngăn chặn người dân lấn chiếm đất để rồi phải đối phó với nhiều vụ khiếu kiện tranh chấp. Từ giá trị đất du lịch tăng, tình trạng đất công “bỗng dưng” đất có nguồn gốc sử dụng như ở xã Tân Phước đang khá phổ biến.
Giải pháp nào để thúc đẩy các dự án ?
Không ít dự án làm lễ động thổ rất rầm rộ, nhưng hơn chục năm nay như Sài Gòn - Hàm Tân (mặt biển 1.800 m), Việt Thuận, Ba Miền, Eden, Đông Đô, Ngọc Vĩnh… chỉ tác động vài công trình dang dở, đất đồi bị đào xới hoang tàn, phá hỏng cảnh quan môi trường tự nhiên bờ biển. Thật ra, quy định về đầu tư các dự án du lịch trước đây khá “thoáng” không ràng buộc điều kiện phải ký quỹ hoặc chứng minh năng lực đầu tư, mà chỉ làm nghĩa vụ nộp tiền thuê đất với giá ưu đãi. Tính ra tiền thuê đất đối với doanh nghiệp chẳng phải là lớn, cho nên kéo dài bao lâu cũng là cách giữ đất tốt nhất. Hiện nay, khi Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Long Thành… đã hấp dẫn các nhà đầu tư đổ xô về La Gi, nhưng đất còn đâu nữa, các dự án gọi là đủ cơ sở để “thu hồi” nhưng xem ra nhiêu khê lắm chăng? Nhiều giải thích khó thuyết phục, chủ dự án trong diện thu hồi phải năm lần bảy lượt mời vẫn không đến. Tôi tìm hiểu qua anh Trịnh Văn Thái, nguyên Trưởng phòng VHTT thị xã La Gi, quá am hiểu về lĩnh vực này, anh cho biết, với những người tâm huyết cho sự phát triển du lịch địa phương là rất đồng tình giải pháp của tỉnh, đối với những dự án “treo” phải thu hồi, đó là biện pháp tổ chức công khai đấu giá, phần công trình dang dở gộp vào và cả giá trị đất phải thỏa thuận đền bù… Chắc chắn sẽ không ít nhà đầu tư thực sự hưởng ứng, tại sao lại không?
Tuy vậy, không những tận dụng vào đất đai, thiên nhiên để phát triển du lịch, mà thị xã La Gi phải sớm thấy nhu cầu của khách du lịch không chỉ nghỉ dưỡng, giải trí mà còn có sự khám phá về vùng đất, những di tích văn hóa lịch sử thì đã có những gì? Hiện nay tại địa phương có 5 di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, danh thắng nhưng chỉ có di tích văn hóa dinh Thầy Thím có điều kiện thu hút khách “du lịch tâm linh”, di tích văn hóa dinh vạn Phước Lộc, Tân Phú thì chỉ được duy trì từ tín ngưỡng dân gian ở phạm vi cư dân. Có điều bất hợp lý là danh thắng Hòn Bà, cách bờ biển 2 km được tỉnh công nhận là danh thắng và thực tế trên đảo có miếu thờ Thánh mẫu Bà Chúa Ngọc/Thiên Y Ana nhưng việc đến đảo cho khách du lịch, cúng bái lại không được phép (?)… Không khéo phát triển du lịch ở La Gi chỉ đóng khung trong không gian của nhiều khách sạn, nhà trọ và quán nhậu đang đua nhau mọc lên sẽ không đạt được mục tiêu bền vững. Riêng với 4 khu du lịch cộng đồng theo quy hoạch, với nhiều phương án đầu tư nhưng khá trầy trật và chỉ có mỗi khu Cam Bình trong hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cho đối tượng khách vãng lai, thu nhập thấp.
Phan Chính