Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên hội thảo tổ chức ở Bình Thuận, tạo điều kiện để các địa phương trong khu vực giới thiệu tiềm năng để tiếp cận lĩnh vực Halal. Thị trường Halal được đánh giá thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Bình Thuận có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, thực phẩm, du lịch... Tiềm năng xuất khẩu của Bình Thuận sang thị trường các nước Hồi giáo rất lớn; tuy nhiên số lượng doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thị trường Halal chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Để thúc đẩy ngành Halal khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc xây dựng hạ tầng, chuỗi cung ứng đến đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn Halal là vấn đề đặt ra cho các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm có hướng thâm nhập thị trường rộng lớn này. Hội thảo là dịp thúc đẩy mạnh mẽ thông tin tuyên truyền hai chiều giữa cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal, gắn quy hoạch phát triển ngành, địa phương để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ tại hội thảo nhấn mạnh, TĐC vừa được Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác về yêu cầu tiêu chuẩn Halal của các thị trường cũng như yêu cầu về chứng nhận Halal, hướng tới xuất khẩu sản phẩm hàng hóa vào thị trường rộng lớn này. Halal tiếng Ả-rập là những điều được phép, theo luật Hồi giáo. Thị trường Halal (cách gọi về thị trường khu vực Hồi giáo) được đánh giá tiềm năng và là cơ hội cho Việt Nam. Quy mô thị trường Halal toàn cầu dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025 và 5.000 tỷ USD vào năm 2030.
Tại hội thảo, PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi đã giới thiệu chuyên đề: Kinh tế - Văn hóa Halal và tiềm năng, cơ hội cho xuất khẩu sản phẩm chủ lực của khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) trình bày về Hoạt động Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Halal phục vụ thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu; yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ Halal của một số thị trường Hồi giáo. Đồng thời một số doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal. Thông qua đó, các đại biểu, doanh nghiệp tham gia hội thảo có thêm những thông tin, nắm bắt rõ hơn về ngành Halal để đưa ra những giải pháp cụ thể xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.