Theo dõi trên

Giảm rủi ro tai nạn trên biển đối với thuyền viên

11/10/2016, 08:25

BT - Mỗi năm, biển cả cướp đi sinh mạng không ít thuyền viên. Dẫu biết sinh nghề, tử nghiệp, nhưng nếu chúng ta chủ động phòng tránh thì rủi ro sẽ được hạn chế…

         
   

         

            Chị Mai chưa vơi nỗi đau bên bàn thờ anh Trí sau vụ tai nạn.

Sinh nghề, tử nghiệp

Chúng tôi trở lại xã Tân Hải, thị xã La Gi sau 2 tuần xảy ra vụ tai nạn trên biển cướp đi sinh mạng của 2 lao động là anh Nguyễn Văn Trí (47 tuổi) và Nguyễn Vũ Phương (25 tuổi, cùng ngụ thôn Hiệp Phước, Tân Hải). Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sự ra đi đột ngột của hai anh và đau xót hơn khi giờ đây gánh nặng gia đình lại chồng chất lên đôi vai người vợ, người mẹ phải một mình nuôi nấng các con.

Anh Nguyễn Minh Hoàng (em vợ anh Trí) người có mặt trên tàu BTH 981813 TS cùng 18 ngư dân khác vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc đau lòng. Anh Hoàng kể: Sáng 20/9, con tàu hành nghề lưới rút đến vị trí bỏ chà thì neo để đánh bắt hải sản.Vị trí tàu neo cách bờ khoảng 32 hải lý và nước có độ sâu khoảng hơn 30m. Cùng với các thuyền viên khác, anh Nguyễn Vũ Phương tiến hành xô chà (chà làm tổ cho cá vào ở) xuống biển. Lúc này biển hơi động và nước chảy siết. Trong lúc bỏ chà chẳng may anh Phương bị dây buộc chà quấn vào chân và khi chà rơi xuống biển, anh Phương cũng bị chà kéo chìm theo xuống đáy biển. Là người có nhiều năm kinh nghiệm đi biển và giỏi lặn, ngay sau khi nghe tiếng truy hô, anh Trí đã xử lý rất nhanh với một con dao trên tay nhảy ngay xuống biển để cắt dây cứu anh Phương. Nhưng do nước chảy xiết, sau cú lặn đầu xuống đụng đáy, anh Trí không tìm thấy anh Phương nên trồi lên. Lấy hơi sâu, anh Trí tiếp tục lặn xuống lần 2 và trong lúc nỗ lực cứu anh Phương, anh Trí cũng bị dính vào chà và không thể ngoi lên nữa. Lúc này thủy triều ngày một chảy siết, nên anh em còn lại trên tàu đành bất lực nhìn hai bạn thuyền nằm lại ở dưới biển cho đến lúc tìm thấy thi thể. “Nỗ lực của anh Trí quên mình cứu bạn chài không chỉ là tình cảm và trách nhiệm của những người đi biển với nhau khi gặp hoạn nạn”, anh Hoàng chia sẻ thêm.

Gánh nặng mưu sinh

Khác với không khí vui tươi, sum họp gia đình sau những chuyến biển trở về, những ngày này không khí đau buồn bao trùm lên tổ ấm của chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (vợ anh Trí) và chị Nguyễn Thị Thúy (vợ anh Phương). Những người phụ nữ có chồng cùng đi bạn như anh Trí và anh Phương cũng đến chia sẻ, động viên. Hơn ai hết họ thấu hiểu nỗi đau mất mát và gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai của chị Mai, chị Thúy trong thời gian tới. Anh Trí là lao động chính, anh mất đi để lại 3 người con, trong đó nhỏ nhất hiện đang học lớp 6. Riêng anh Phương hoàn cảnh khó khăn hơn khi hai cháu còn quá nhỏ (6 tuổi và 4 tuổi). Tai nạn xảy đến chủ tàu cũng hỗ trợ cho mỗi gia đình 50 triệu đồng, đồng thời những chuyến biển sắp tới hai anh vẫn được chia tiền công cho đến hết mùa đánh bắt. Ngoài ra, bạn đọc và nhà hảo tâm gần xa cũng đã hỗ trợ cho gia đình anh Trí hơn 20 triệu đồng và anh Phương hơn 16 triệu đồng. Đây là những chia sẻ kịp thời, bù đắp cho những mất mát cũng như đồng hành cùng gia đình hai anh trong quãng đường phía trước.   

Để hạn chế rủi ro

Bình Thuận hiện có trên 7.800 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó có trên 350 tàu đánh bắt xa bờ. Mỗi năm tại địa phương xảy ra hàng chục vụ tàu trong và ngoài tỉnh gặp tai nạn trên biển. Ngư dân nào ra khơi cũng muốn trời yên, biển lặng. Nhưng giữa biển cả mênh mông, rủi ro, tai nạn trên biển luôn rình rập và có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, thời tiết đang có xu hướng ngày càng phức tạp. Thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố trong hoạt động khai thác hải sản của ngư dân ngày một gia tăng.

Bên cạnh các lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển và tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ lẫn nhau của ngư dân, thì việc chủ tàu và mỗi thuyền viên tham gia lao động biển cần trang bị đầy đủ kiến thức liên quan đến lĩnh vực đánh bắt, kỹ năng sinh tồn trên biển, để phòng tránh rủi ro tai nạn là hết sức cần thiết. Theo đó, khi tàu xuất bến cần trang bị đầy đủ phao cứu sinh; thiết bị liên lạc; cập nhật thông tin thời tiết; bố trí các dụng cụ cứu sinh ở những vị trí phù hợp để xử lý nhanh khi có trường hợp khẩn cấp…

P. Sinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm rủi ro tai nạn trên biển đối với thuyền viên