Sông Dinh cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực hạ lưu. |
Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) cho biết, sở tăng cường phối hợp giám sát “điểm nóng” trên hàng tháng, đồng thời đề nghị Sở TN & MT Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo Tổ giám sát được thành lập theo quyết định của sở này phối hợp Trung tâm Quan trắc & Kỹ thuật môi trường Đồng Nai giám sát, theo dõi thường xuyên chất lượng nước sông Ui (trong đó có thêm 1 điểm sau hồ số 4 của Công ty Tùng Lâm), suối Rùa, suối Tượng và Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm để có giải pháp lâu dài, nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vùng hạ lưu sông Ui. Việc giám sát trên, định kỳ 1 tháng/lần, sở chức năng của tỉnh này báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai theo dõi, xử lý. Trong khi đó, theo Quy chế phối hợp số 01 trước đây của công an hai tỉnh giáp ranh này, lực lượng chức năng tăng cường biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện khi có sự cố xảy ra, gây ô nhiễm nguồn nước sông Ui, thượng nguồn sông Giêng, sông Dinh. Về phía địa phương, UBND huyện Hàm Tân chỉ đạo Phòng TN & MT, Cảnh sát môi trường (Công an huyện), UBND xã Tân Đức theo dõi, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước sông Giêng, phản ánh kịp thời cho Sở TN & MT, Công an tỉnh kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh xem xét… Mới đây, đoàn giám sát do ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận dẫn đầu đã đến hai công ty trên thị sát, làm việc về công tác bảo vệ môi trường ở khu vực hai tỉnh.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN & MT) cho biết, qua giám sát thường xuyên của sở ngành, cơ quan chức năng, thời gian gần đây, môi trường khu vực giáp ranh được cải thiện. Hiện tại, Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm, nước thải sản xuất sau khi qua hệ thống xử lý công suất 3.600 m3/ngày đêm, không xả thải vào sông Ui như trước, được đưa vào hồ chứa bơm về công đoạn phối liệu tái sử dụng sản xuất. Nước giải nhiệt cũng thực hiện quy trình như vậy. Trong mùa vụ sản xuất từ đầu năm nay, nhà máy hoạt động 70% công suất theo thiết kế 72 triệu lít cồn /năm. Tương tự, Nhà máy chế biến tinh bột mì Phan Thành Tâm vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất 300 m3/ngày đêm, nước thải sau xử lý đạt loại A quy chuẩn Việt Nam 40:2013 của Bộ Tài nguyên & Môi trường, mới xả ra sông Ui. Mùa vụ sản xuất này, nhà máy hoạt động chế biến khoảng 70% công suất theo thiết kế 12.000 tấn sản phẩm tinh bột mì ướt/năm (100 tấn nguyên liệu/ngày). Hệ thống xử lý nước thải vận hành bình thường, nước thải sau xử lý thải ra sông Ui. Hai đơn vị trên đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường xung quanh khu vực sản xuất.
T. Khoa