Tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho đồng bào bằng hình thức sân khấu hóa. |
Hàm Thuận Bắc hiện có gần 4.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở 3 xã vùng cao Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ và 5 thôn xen ghép là Hàm Trí, Hàm Phú, Thuận Minh, Thuận Hòa, thị trấn Ma Lâm. Trong đó đồng bào K’ho chiếm nhiều nhất với 1.851 hộ, tiếp đến là đồng bào Chăm 1.282 hộ. Năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, toàn huyện chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình đây là điều đáng mừng, nhưng không vì thế mà chủ quan trong công tác tuyên truyền. Đáng chú ý tại 2 địa bàn thực hiện đề án là xã Đông Giang và thôn Lâm Giang (xã Hàm Trí), cán bộ dân số ở cơ sở luôn nắm chắc địa bàn, thường xuyên thăm hỏi và quan tâm đến những gia đình có con lứa tuổi vị thành niên để nhắc nhở họ không để con kết hôn khi chưa đủ tuổi.
Theo chân ông K’Văn Vền – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang, đi làm tuyên truyền về tảo hôn, mới biết bao nỗi khó khăn của cán bộ nơi đây. Ngay cách mở đầu câu chuyện cũng không thể đưa nội quy này, quy định kia của luật ra nói với hộ dân, mà phải bắt đầu từ việc tiếp cận, tạo mối thân tình với gia đình và các thành viên, sau đó mới đi vào tuyên truyền và diễn giải sao cho dễ hiểu nhất. Công tác dân vận này là cả một thời gian dài. Bởi theo ông Vền: Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của đa số đồng bào còn hạn chế. Nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại và bám rễ sâu vào nếp nghĩ của nhiều gia đình, cộng thêm đời sống kinh tế khó khăn nên ít quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi của con em... Dưới những nếp nhà sàn, họ chỉ nghĩ giản đơn đôi trẻ thương nhau là thuận theo ý Giàng nên cứ để theo lẽ tự nhiên, chứ chưa hiểu rằng kết hôn khi chưa đủ tuổi sẽ ảnh hưởng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Thêm nữa sự tác động của môi trường xung quanh và các phương tiện thông tin hiện đại làm cho thanh niên dân tộc thiểu số “trót dại” và khi có bầu thì gia đình buộc phải cho về ở với nhau.
Lấy mốc từ năm 2013, dù xã Đông Giang không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống, nhưng tảo hôn vẫn xảy ra hàng năm. Trung bình mỗi năm 2 cặp, đặc biệt năm 2016 có 9 cặp. Đến năm 2018, sau một năm thực hiện đề án, nạn tảo hôn mới tạm được “xóa sổ”.
Dù hơn 1 năm nay Hàm Thuận Bắc không có trường hợp tảo hôn nào, nhưng khi mà nhận thức của đồng bào chưa cao và nếu các xã bỏ ngỏ, lơ là trong tuyên truyền thì chắc chắn không chỉ dừng lại ở 1 – 2 trường hợp/năm. Do vậy, huyện xác định phải phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi và nhấn mạnh hậu quả khôn lường do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Chọn hình thức tuyên truyền bằng sân khấu hóa, nhất là trong các trường học; in ấn các tờ rơi, phương tiện trực quan cụ thể minh chứng nhiều trường hợp đứa con của vợ chồng chưa đủ tuổi sinh ra bị dị tật, bệnh down, lùn về tầm vóc, trí tuệ hạn chế... Đồng thời phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào để xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tuổi kết hôn đối với nam là đủ 20 tuổi và đối với nữ là đủ 18 tuổi. Quy định này đảm bảo cho nam và nữ có thể đảm đương được trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, đồng thời còn đảm bảo cho con cái sinh ra khỏe mạnh cả vể thể lực lẫn trí tuệ. |
Thùy Linh