Theo dõi trên

Gian nan nhãn xuồng Thắng Hải

04/08/2017, 09:49

BT- Những ngày này ông Nguyễn Thanh Sử vẫn ngày đêm miệt mài chăm sóc 5 ha cây ăn trái ở thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân. Ông nói được làm việc là niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày.

Gương mặt người đàn ông sạm đen, rắn rỏi, biểu hiện của sự dãi dầu nắng mưa, nhưng tiếng nói thì cứ sang sảng, thân thiện, đúng chất của người dân miền Tây.

                
Ông Nguyễn Thanh Sử bên vườn nhãn.

 Đất lành chim đậu

Vào tuổi đôi mươi, ông lên đường nhập ngũ, sau 6 năm trong quân đội trở về quê hương tại huyện Cái Nước (Cà Mau), vùng đất sông nước với nghề nuôi tôm nổi tiếng. Ông lập hồ nuôi tôm quảng canh cải tiến, cái nghề vất vả, cực nhọc may ít rủi nhiều. Trúng tôm thì xênh xang còn  ngược lại, gia sản tiêu tan, chưa nói cảnh nợ nần, túng bấn. Thấy nghề nuôi tôm bấp bênh nhưng chẳng biết chuyển nghề gì để mưu sinh.

Như  sự tình cờ, ông bén duyên với vùng đất Suối Bang từ năm 1994 sau  chuyến đi thăm bạn bè ở vùng đất mới khai phá, còn dày cây tạp, đường sá đi lại chưa có,  nắng bụi, mưa thì sình lầy.

Những căn nhà thấp tè làm bằng cây rừng là nơi tá túc của những người dân nơi đây. Họ cần cù chịu khó, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để tỉa bắp, trồng các loại cây lương thực, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh nghèo khổ.

Ông nói, trông cái cách dân họ làm, ông biết họ chưa tận dụng, chưa khai thác hết thế mạnh của đất. Những bạt ngàn cây tạp trước mắt ông rõ là chẳng ai chăm sóc nhưng xanh tốt um tùm,  chứng tỏ vùng đất này khá tốt, thích hợp cho cây ăn trái bởi tầng đất màu khá dày. 

Thế rồi, 12 người bạn của ông đã mua hơn 30 ha đất, bắt đầu trồng cây ăn trái với quyết tâm và hy vọng biến vùng đất này thành “trung tâm” của những loại trái cây. Quá trình cải tạo đất gian nan bội phần khi đường đi chỉ dựa vào đường xe bò. Ông và những người bạn lại chặt cây bắc qua suối làm cầu, thuê người phát cây, dọn đất. Những ngày đầu lập nghiệp trên quê mới, ông nói, ai cũng đều bỏ lại gia đình phía sau để ngày qua ngày đánh vật với cây bụi và những đường cày. Đất không phụ người có tâm khi những ha nhãn xuồng đầu tiên được trồng xuống. Bên cạnh đó, họ xen canh cây họ đậu để sau đó bán chúng đi, mua lương thực, thực phẩm, phân bón, trả công chăm sóc vườn cây.

Sau 3 năm trời lao động không ngừng nghỉ, những đài hoa nhãn  hé mở rung rinh đón chào và kết trái. Từng chùm nhãn đung đưa trong nắng. Ông nói cái cảm giác đầu tiên cầm trái nhãn xuồng bóc đi lớp vỏ bóng láng bên ngoài, rồi đưa vào miệng cắn ngập chân răng, nghe vị ngọt lịm, cùng với mùi thơm dịu nhẹ… là sướng vô kể. Đó không phải hạnh phúc thì là gì?

Vài năm sau đó, nhờ giá cả ổn định nên những khoản vốn vay ngân hàng được trả dần, ông đón gia đình đến Suối Bang để an cư, lập nghiệp.

Thế nhưng… ánh mắt người nông dân chợt chùng xuống khi quá khứ lại ùa về. Niềm vui quả ngọt chẳng được bao lâu thì nhãn liên tục rớt giá. Có năm, chỉ còn 1.700 đồng/kg, người mua không hào hứng, người bán thì u sầu bởi tiền thuê bẻ nhãn một ngày không hơn tiền bán nhãn. Những cây nhãn lủng liểng trái vẫn nằm trơ giữa trời chẳng ai buồn hái. Cầm cự suốt vài năm với hy vọng mong manh cây nhãn sẽ phục hồi như trước. Thế nhưng một số gia đình không thể chờ được khi lãi ngân hàng ngày một nhiều. Có nhà bị phát mãi, nhà bán đổ bán tháo để bảo tồn đồng vốn…

Niềm hy vọng cứ tan dần theo năm tháng khi tiền nợ ngân hàng ngày một nhiều thêm. Ông nói, chẳng lẽ cứ nhìn thành quả bao năm của mình rơi rụng dần, ông cùng một số bạn bè quyết định chặt bỏ vườn nhãn đang kỳ sung sức để trồng cao su bởi giá cao su lúc đó đang ở mức cao.

Ông quyết định phá 3 ha nhãn. Nhìn những thân nhãn ngã rạp dưới những đường cưa, ông tưởng như ai đó bóp nghẹt tim mình. 5 năm trôi qua trong khắc khoải, hồi hộp. Và một lần nữa sự không thuận lợi lại đến: Khi những cây cao su đầu tiên  bắt đầu cho mủ thì giá mủ cũng lao dốc. Ông nói bao công sức vốn liếng đổ dồn vào cao su, nên chẳng còn tiền thuê người cạo mủ. Cả gia đình, vợ chồng con cái hì hụi tự cạo mủ nhưng chỉ đủ tiền rau cá qua ngày.

 Thời gian này, giá nhãn bắt đầu lên trở lại. Nhờ có 2 ha nhãn, gia đình ông vượt qua cơn điêu đứng. Mỗi ha nhãn sau khi trừ chi phí phân thuốc, công làm, vẫn còn thu lãi 200 triệu đồng/năm.

Thế rồi, ông cười chua chát: “Trước bài toán kinh tế, gia đình lại chặt cao su trồng lại nhãn trong tâm lý phập phồng lo sợ như đánh cược với số phận. Nhưng cũng may, lần này lại thành công. 3 ha nhãn sau này cho trái được vài năm rồi”.

Nói đến đây, ông dẫn tôi ra vườn nhãn. Nhãn đang vào vụ thu hoạch. Những cây nhãn  mới trồng nên cành lá chưa xum xuê,  nhưng không vì thế mà ít trái. Từng chùm nhãn to lúc lỉu, kéo cành oằn xuống, đang chờ người thu hoạch. Ông nói: “Năm nay, nhãn được mùa nhưng giá chưa cao vì thương lái ép giá. Chỉ có 25.000 đồng/kg tại vườn. Nếu nhãn xuồng Thắng Hải có được thương hiệu, vào được siêu thị, cũng như đi khắp nơi, thì người nông dân Suối Bang mới  giàu lên được”. Nghe thế, ông Trần Xuân An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải đi bên nãy giờ mới lên tiếng: “Chúng tôi đang làm tờ trình lên huyện, đề nghị xây dựng  thương hiệu cho nhãn xuồng Thắng Hải. Sắp tới đây, Hội Nông dân cũng thành lập Tổ hợp tác  nhãn xuồng để hỗ trợ bà con”. 

Sát cánh cùng bà con

Rời vườn nhà ông Thanh Sử, Chủ tịch Hội Nông dân Trần Xuân An tiếp tục dẫn chúng tôi đi thăm một số nhà vườn khác. Ông chỉ tay về phía trước nơi bạt ngàn những tấm lưới giăng trên vườn nhãn gần thu hoạch nói: “Mỗi buổi sáng, đứng nơi này nhìn từ xa giống như cảnh Đà Lạt trong sương sớm. Giờ thì hàng trăm ha nhãn vùng này đã  phục hồi”. Rồi anh kể, Hội Nông dân xã luôn ở bên bà con nông dân trong những ngày gian khó nhất. Từ việc chuyển giao kỹ thuật trồng trọt như chọn giống, làm đất, bón phân, xịt thuốc, chăm sóc cây ra hoa… đặc biệt những tháng ngày khi người dân không còn vốn để cầm cự thì Hội đứng ra bảo lãnh với các công ty, các cơ sở phân thuốc, bán thiếu cho nông dân đến mùa thu hoạch mới lấy tiền. Nhờ đó, nhiều gia đình vượt qua giai đoạn khủng khoảng về  đồng vốn.

Trước khi  rời vùng nhãn  đang từng ngày hồi sinh, ông Trần Xuân An nói thêm: “Tôi ngày đêm mong nhãn xuồng Thắng Hải tạo được thương hiệu”.

 Với trái nhãn to tròn, cùi dày ngọt lịm thế kia, nếu biết cách xây dựng thương hiệu, được sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành,  nhãn xuồng Thắng Hải sẽ có cơ hội đi xa, đến nhiều miền của đất nước. Lúc đó  đường về Suối Bang chắc sẽ dập dìu người qua lại!

Ký sự: Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Những cánh diều xuân rực rỡ trên biển Hàm Tiến – Mũi Né
BTO-Những ngày này, khi gió bấc thổi mạnh và trời trong xanh, bãi biển Hàm Tiến- Mũi Né, thành phố Phan Thiết thu hút rất đông du khách quốc tế yêu thích bộ môn lướt ván diều đến vui chơi, trải nghiệm cùng sóng và gió. Hàng trăm cánh diều sặc sỡ sắc màu tràn ngập không gian bãi biển.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian nan nhãn xuồng Thắng Hải