Vấn đề nổi bật trong phiên chất vấn sáng nay là hiện nay có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Mặc dù vậy, hiện nay ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu. Một số đại biểu chất vấn rằng: Bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với tình trạng này và giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không?
Bộ trưởng cho biết theo tính toán hiện nay, thì trong 5 năm có khoảng 300.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Số sinh viên có việc làm ngay chủ yếu tập trung ở những trường có chất lượng giáo dục tốt, có bề dày, số sinh viên thất nghiệp nhiều chủ yếu ở các trường mới thành lập, hoặc trường có chất lượng giảng dạy chưa cao. Do vậy, cần tập trung siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, không chỉ chất lượng đầu vào mà cả chất lượng đầu ra vì lâu nay chất lượng đầu ra chưa được chú trọng.
Không ít người cho rằng lỗi lớn nhất là đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế. Chưa kể, việc quy hoạch trường Đại học chưa hợp lý. Ngoài ra, vấn đề sinh viên ra trường có việc làm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa, ví dụ như sự phát triển của doanh nghiệp, thị trường.
Riêng ở Bình Thuận hàng năm có gần 5.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng, có khoảng 70% về lại quê hương. Một số ngành dễ xin được việc làm như Bác sĩ, Kỹ sư xây dựng, Kiến trúc… Số ngành nghề còn lại hoặc là làm việc trái với ngành nghề, hoặc là thất nghiệp. Thực tế hiện nay Bình Thuận vẫn chưa có một tổ chức hay cơ quan chuyên theo dõi đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, để qua đó có kế hoạch và chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng năm hoặc giai đoạn 5 năm.
Q. T