Theo dõi trên

Giao thông “mở lối” cho người nghèo

06/10/2024, 15:15

Phần lớn các xã trong huyện Hàm Thuận Nam đều đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, trong khi các tiêu chí khác về hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt …đang cần thêm thời gian cho đầu tư hoàn thiện. Vì thế, có thể nói ở góc độ nào đó, giao thông tạo điều kiện cho các hạ tầng khác xuất hiện, mang tính như hạ tầng nền.

Hạ tầng nền

Đình Cậu thuộc thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thuận và lại nằm ở trung tâm của làng Chăm Mư Ly với 305 hộ dân Chăm quần cư ở 4 thôn của xã nên những con đường dẫn đến địa điểm này luôn đông người dân qua lại. Thêm nữa, quanh khu vực này cũng là vùng thanh long nên vào những lúc thu hoạch, việc đi lại chuyên chở trên các con đường đất có khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trong khi đó, tại thôn Hiệp Tân, con đường dẫn vào trường tiểu học Tân Thuận 4, trường mẫu giáo cũng không khá hơn, khi học sinh lội bùn đất tới trường…

z5901253270963_d4ae6d99c6a5457bf56a3b6cd88ce74a.jpg
Đường bê tông nông thôn mới xây dựng ở xã Tân Thuận

Nhưng đó là tình trạng của năm 2022 trở về trước. Năm 2023, những con đường ở những nơi trên như tuyến từ nhà ông Tư Rỡ đến Nhà Văn hóa thôn Hiệp Hòa, tuyến từ cống ông Sinh ra Đình Cậu, tuyến bê tông thôn Hiệp Tân đi vào trường tiểu học Tân Thuận 4, tuyến vòng xuyến trường mẫu giáo…đã được xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và huyện Hàm Thuận Nam. Khỏi phải nói người dân ở đây, nhất là người nghèo được hưởng lợi các công trình đi chung trên vui đến thế nào. Vì ít nhất đã gián tiếp nâng cao mức sống người dân, nhất là ở vùng này tập trung người nghèo của xã Tân Thuận

Tương tự, tại 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Hàm Cần, Mỹ Thạnh cũng thế. Trong giai đoạn 2019 – 2024, nhiều tuyến đường từ trung tâm xã đến thôn và đường liên thôn, đường vào các khu sản xuất tập trung của 2 xã đã được đầu tư kiên cố hóa và sửa chữa, nâng cấp. Cụ thể, xã Mỹ Thạnh đã cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra là có từ 80 đến 90% đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, được kiên cố hóa; trên 70% đường trục giao thông thôn và đường giao thông vào các khu sản xuất tập trung được cứng hóa đạt chuẩn kỹ thuật. Còn xã Hàm Cần chưa đạt chỉ tiêu trên, nhưng đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, được kiên cố hóa đã trên 70%; đường giao thông vào các khu sản xuất tập trung được cứng hóa dưới 70%. Nhờ vậy, dù có khó khăn về nước sản xuất nhưng trước tiên việc đi lại thuận tiện cũng khiến đời sống người dân ở vùng cao này đổi thay theo thời gian, khi điện, nước sinh hoạt, hạ tầng viễn thông…dần có.

dji_0149.jpg
Đường bê tông vào khu sản xuất ở Hàm Cần, Hàm Thuận Nam (ảnh N. Lân)
c0032t01.jpg
Đường giao thông ở xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam (ảnh N. Lân)

Trong khi đó, ở những xã khác trong huyện với hành trình xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn, cộng với thực hiện đề án giao thông nông thôn, đường sá được xây dựng ngày một nhiều. Phần lớn các xã trong huyện đều đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, trong khi các tiêu chí khác về hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt …đang cần thêm thời gian cho đầu tư hoàn thiện. Vì thế, có thể nói ở góc độ nào đó, giao thông tạo điều kiện cho các hạ tầng khác xuất hiện, mang tính như hạ tầng nền.

Vẫn còn bức xúc vì đường

Trong năm 2024, cử tri Hàm Thuận Nam tiếp tục kiến nghị Sở Giao thông vận tải quan tâm sửa chữa nâng cấp một số tuyến đường. Cử tri xã Hàm Thạnh đề nghị cần sớm đầu tư đường từ ngã 3 Nà cam - Ba Bàu - Hàm Thạnh đến Hồ Sông Móng, vì đường đất sỏi này đã xuống cấp sụp lún hư hỏng nặng. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân rất rõ, cụ thể như giá thanh long bị ảnh hưởng do thương lái trừ chi phí chuyên chở, mất thời gian, trái bị dập…và nhiều lý do khác được đưa ra vin vào việc vận chuyển khó khăn.

Còn cử tri xã Tân Thuận đề nghị sửa chữa tuyến đường vào khu vực 1600 ha đã hư hỏng nặng và khảo sát, bố trí nguồn vốn xây dựng cầu Hiệp Tân phục vụ dân sinh. Tình huống ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là người nghèo cũng diễn ra tương tự xung quanh chi phí sản xuất bị đội lên cao, giá bán nông sản bị thấp lại do con đường ra vào khu sản xuất 1.600 ha khó đi. Điều đáng chú ý là không thể kết nối với thị xã La Gi, nơi có thị trường sôi động người mua bán.  

Theo Công văn số 1650 của UBND huyện Hàm Thuận Nam ngày 6/8/2024, Dự án Nâng cấp tuyến đường từ ngã ba cầu Nà Cam đi hồ Sông Móng, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư tại Công văn số 3873/UBND-ĐTQH ngày 10/10/2023. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trên, thời gian thực hiện dự án cuối giai đoạn 2024 - 2025 và chuyển tiếp giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bổ sung dự án nêu trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng quy định hiện hành.

Trong khi đó, dự án Kiên cố hóa đường vào khu sản xuất 1600ha, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam và kết nối với đường Mai Thúc Loan, xã Tân Hải, thị xã La Gi đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành liên quan thống nhất trình UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao nhiệm vụ cho UBND huyện Hàm Thuận Nam lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công. Trường hợp có vượt thu ngân sách tỉnh thì sẽ cân đối vốn vào cuối giai đoạn 2021 - 2025.

dsc_0816.jpg
Đường giao thông nông thôn xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam (ảnh N. Lân)

Riêng việc bố trí nguồn vốn xây dựng cầu Hiệp Tân phục vụ dân sinh ở xã Tân Thuận, UBND tỉnh giao UBND huyện Hàm Thuận Nam tổ chức khảo sát, bố trí vốn ngân sách huyện để sửa chữa cầu Hiệp Tân. Về lâu dài, UBND huyện Hàm Thuận Nam có báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét cho chủ trương đầu tư xây dựng mới cầu Hiệp Tân.

Những dự án, công trình trên khi được hoàn thành sẽ mở ra lối phát triển kinh tế gia đình cho người dân, nhất là người nghèo vượt lên khó khăn.

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hỗ trợ sản xuất cho người dân Hàm Thuận Nam trước biến đổi khí hậu
BTO-Dự án SACCR – Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ giúp người dân ở Hàm Thuận Nam, nhất là hộ dân nghèo nhận diện rõ hơn những thách thức ở vùng thiếu nước và lựa chọn cách phát triển sản xuất phù hợp.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giao thông “mở lối” cho người nghèo