Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh phát biểu nhấn mạnh: Việc ứng dụng công nghệ sinh học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh hàng hóa nông sản. Các ứng dụng này thường được thông qua kỹ thuật tiên tiến: cấy mô, sinh học phân tử, di truyền với các giống cây trồng trên địa bàn tỉnh như dưa lưới, nho, hoa lan, lúa trồng theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Khuyến nông đã giới thiệu các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh; như mô hình ứng dụng công nghệ cao của tổ chức, hộ gia đình thông qua địa phương, ngành chức năng được hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện. Trong khi đó, tham luận của các đơn vị công nghệ sinh học như công ty (công nghệ Nông nghiệp xanh, nhà kính Nguyễn Thành, Vnas, MP-Agritek) thông tin về những ứng dụng công nghệ tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp; áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới trong nông nghiệp; quy trình trồng, chăm sóc dưa lưới đạt năng suất, chất lượng; liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trong tỉnh.
Một số mô hình trên đã được ứng dụng trang trại, hộ gia đình ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh đem lại hiệu quả. Đây là hướng đi phù hợp sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn tại Bình Thuận.
Đại diện ngành chức năng, doanh nghiệp cũng đã trả lời, giải đáp các câu hỏi của bà con nông dân về đầu tư công nghệ tưới tự động, cách chăm sóc, hiệu quả mô hình, liên kết tiêu thụ, mức nhà nước hỗ trợ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thông qua ở địa phương.