Theo dõi trên

Giống lúa Ma Lâm

26/09/2016, 08:40

BT- Thông qua lai tạo, tuyển chọn từ nhiều nguồn giống lúa trong, ngoài tỉnh (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long), Trạm Giống cây trồng Ma Lâm thuộc Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận đã tuyển chọn trên 50 giống phù hợp thổ nhưỡng địa phương, đưa vào sản xuất. Khá nhiều loại trong đó được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống lúa quốc gia, như: 205, TH (6, 28, 85,), ML (4, 15, 202), một số khác nhân rộng khu vực hóa: TH 41, ML (29, 48, 107, 214); cũng như duy trì các giống lúa thơm phục vụ thị trường, xuất khẩu: Hương thơm số 1, Jasmine, Bắc thơm, Đài thơm số 8, OM (7347, 4900, 6161, 6162)…

                
Tham quan ruộng lúa thử nghiệm Trạm Giống    cây trồng Ma Lâm.

Ở phía Bắc tỉnh, HTX Nông nghiệp & dịch vụ Long Hương (Tuy Phong) đã nhân rộng thành công giống lúa nguyên chủng từ Trạm Giống cây trồng Ma Lâm chuyển giao, đó là ML 214, OM 4900, OM 6162 phù hợp thời tiết, đất đai từng khu vực. Ông Lê Trung Hoàng, chủ nhiệm HTX cho biết, hai loại OM 4900, OM 6162 là giống đặc sản, ngắn ngày, có đặc điểm cứng cây, dạng hình đẹp, khả năng đẻ nhánh khỏe, ít nhiễm sâu bệnh, rất dễ canh tác, thích hợp vùng đất ẩm ướt ven sông, suối. Mặt gạo đẹp thơm dài, ngon cơm. Nhất là khi HTX chủ động được nguồn nước thủy lợi từ hồ Sông Lòng Sông, thuận lợi cho hai loại lúa trên sinh trưởng ngắn ngày, sản xuất được nhiều vụ trong năm; lúa đạt năng suất cao: 7 tấn - 7,5 tấn/ha. Đặc biệt, hai giống OM (4900, 6162) nổi trội là giống lúa thơm, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; HTX xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Long Hương từ nguồn giống lúa này… Mỗi năm HTX đã sản xuất, cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn lúa giống xác nhận uy tín, chất lượng được bà con nông dân trong vùng ưa chuộng, sản xuất đại trà; cho ra sản phẩm “Gạo Long Hương” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận…

Còn ở vựa lúa Tánh Linh phía Nam tỉnh, nguồn giống OM 4900, OM 6162 cũng được lai tạo, tuyển chọn trồng trình diễn từ nguồn nguyên chủng của Viện Lúa ĐBSCL, cây trồng thích hợp với vùng đất ở đây. Đến nay 87% nông dân của huyện đã sử dụng các giống lúa OM trong tổng diện tích gieo trồng 24.900 ha/năm, năng suất đạt 7- 8 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt 9 tấn/ha. Ông Nguyễn Như Mỹ, Trưởng trạm Khuyến nông Tánh Linh cho biết, việc đưa các giống OM vào sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình liên kết đã góp phần giảm giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cung ứng trên địa bàn tỉnh, một phần cho xuất khẩu. Được biết hiện nay các giống lúa mang tên OM chiếm 31% diện tích sản xuất cả tỉnh, tập trung nhiều ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc.

   Còn lại phần lớn diện tích trong tỉnh sử dụng các giống lúa ML 48, ML 202, ML 214… từ nguồn chủ lực của Trạm Giống cây trồng Ma Lâm. Đây là các giống lai tạo, chọn lọc từ nhiều năm trước đã được trạm phục hồi lại, thích nghi từng vùng đất địa phương. Cây có thời gian sinh trưởng ngắn, canh tác được 3 vụ trong năm, kháng rầy nâu, năng suất bình quân 7 - 7,5 tấn/ha, lúa hạt bầu dài, cơm dẻo. Loại gạo này nhiều người dân huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày, nó còn được dùng chế biến một số loại bánh, bún đặc sản mỗi vùng, như bánh tráng Chợ Lầu, bánh hỏi Phú Long, bánh căn Phan Thiết… 

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỳ họp thứ 9: Quốc hội hành động vì những đổi mới thực chất
Sáng nay 5/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV khai mạc trong bối cảnh đất nước bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ cả về thể chế và tổ chức bộ máy. Đây cũng là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử nhiệm kỳ mới. Với khối lượng công việc được đánh giá là “chưa từng có” – hơn 30 dự án luật, 7 nghị quyết cùng hàng loạt vấn đề hệ trọng như sửa đổi Hiến pháp, điều chỉnh chính sách tài khóa, tinh gọn bộ máy… kỳ họp lần này được xem là một dấu mốc lớn.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giống lúa Ma Lâm