Theo dõi trên

Giữ gìn và phát huy giá trị di tích đình làng

08/09/2020, 09:26

Bài 2: Phát huy hồn văn hóa cộng đồng

BT- Đằng sau những họa tiết, hoa văn được chạm trổ tỉ mỉ trên vòm cong của mái đình, kèo cột là sự sáng tạo, ghi dấu từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Vì thế giữ gìn, bảo tồn những báu vật đó và hướng tới phát huy giá trị di tích trong quảng bá, phục vụ tham quan, nghiên cứu, du lịch là trách nhiệm của cả xã hội chứ không riêng gì một đơn vị làng, xã…

Đình làng Đức Thắng có giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật, tuy nhiên chưa thu hút được du khách đến tham quan, nghiên cứu.

Theo đánh giá của Bảo tàng tỉnh, Bình Thuận thuộc vùng cực Nam Trung bộ, thời tiết nắng ấm quanh năm và ít xảy ra thiên tai, bão lũ, cộng với việc trông coi, bảo quản ở nhiều ngôi đình được thực hiện khá tốt nên hầu như nhiều kiến trúc, hiện vật đến nay còn lưu giữ. Nhưng tại sao mặc cho thời gian trôi, cánh cổng đình làng vẫn đóng im ỉm, ngoại trừ đình Bình An (xã Bình Thạnh, Tuy Phong).

Ông Nguyễn Chí Phú – Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận cho biết: Trở ngại lớn nhất hiện nay là hầu hết đường giao thông vào các đình làng khá chật hẹp, phương tiện xe du lịch của công ty tour không thể đi vào. Thêm nữa đình làng mang tính cộng đồng thuộc về mỗi vùng miền nên không vượt qua được phạm vi văn hóa làng xã và tính lan tỏa như chùa, vạn. Riêng đình Bình An (xã Bình Thạnh), tọa lạc ở vị trí gần bờ biển, lại nằm trong cụm di tích nổi tiếng lăng Ông Nam Hải, mũi La Gàn, chùa Cổ Thạch, bãi đá 7 màu và đường giao thông đi lại thuận lợi. Vào dịp tế lễ chính trong năm, đình tổ chức được các hoạt động văn hóa, thể thao tạo mối gắn kết giữa tất cả người dân trong làng. Bên cạnh đó, Ban quản lý rất chủ động trong việc giữ gìn, bảo quản cảnh quan, kiến trúc ngôi đình và sửa chữa những hạng mục nhỏ. Hàng năm đều trích từ kinh phí đóng góp công đức để sơn phết chống mối mọt, trét lại các mảng tường, cổng, trồng hoa và sửa chữa khuôn viên xung quanh… Trung bình, có hơn 1.500 lượt khách/năm ghé thăm, chiêm bái cảnh đẹp nơi đây.

Về phía chính quyền địa phương, công tác phối hợp quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến được thực hiện khá tốt. Trong đó chủ động xây dựng các bảng chỉ dẫn, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh để xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.

Đình làng là một giá trị văn hóa vật thể vô cùng quý giá thuần Việt. Chính sự rêu phong, cổ kính của đình làng là minh chứng sống động của lịch sử, của cội nguồn mỗi người. Từ câu chuyện của đình Bình An, theo các nhà quản lý nhà văn hóa địa phương, để phát huy giá trị di tích phục vụ tham quan, nghiên cứu, du lịch, ngoài quan tâm trùng tu, tôn tạo kiến trúc đình làng thì chúng ta cần phục hồi không gian văn hóa đình làng, các lễ hội tiêu biểu trở thành di sản phi vật thể. Từ đó tạo sự liên kết thành chuỗi hệ thống đình làng, khu di tích văn hóa trong vùng để giới thiệu với du khách, góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Thêm nữa ngành giáo dục cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, về nguồn, giới thiệu lịch sử, văn hóa địa phương để các em hiểu hơn về trách nhiệm của mình trong công tác giữ gìn, quảng bá điểm đến. Có như vậy, đình làng mới thực sự “hòa nhập” với cuộc sống hiện đại.

 Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ gìn và phát huy giá trị di tích đình làng