Theo dõi trên

Giữ rừng phòng hộ… liên tỉnh

26/03/2024, 05:10

Nơi đây từng có 10 người dân ở Lâm Đồng bị khởi tố hình sự vì qua Bình Thuận phá rừng làm rẫy, lại có những vụ lén lút khai thác gỗ xoan đào… Nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, CBCNV Ban quản lý rừng Hàm Thuận – Đa Mi đã cố gắng giữ rừng phòng hộ đầu nguồn…

Theo chân người giữ rừng

Anh Châu hả?

Có chuyện gì vậy em.

Dạ. Em mới thấy 3 người lạ từ hướng xã Lộc Nam đi vào rừng.

Họ có chở theo “đồ nghề” phá rừng không?

Em không nhìn rõ chỉ thấy lướt qua…

Đó là cuộc trao đổi qua điện thoại của người dân với anh Nguyễn Văn Châu – Phó phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi. Ngay sau cuộc điện thoại của người dân là cuộc hội ý nhanh trong ban lãnh đạo, xác định vị trí người lạ vào rừng nằm ở tiểu khu 165A và 165B, anh Hồ Văn Phương - Phó Ban được cử làm trưởng đoàn cùng với tổ cơ động của Ban vào rừng để kịp thời xử lý vụ việc.

81de7d2329a2795be3895a1f24a367be.jpg
Anh Hồ Văn Phương - Phó Ban quản lý rừng Hàm Thuận - Đa Mi đang đi kiểm tra rừng ngày 21/3/2024

Đang ngồi uống dở ly cà phê ngắm cảnh bình minh trên hồ nước thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, thì tôi nhận được tin Phương báo đi rừng: “Anh có muốn đi thực tế rừng giáp ranh với em thì đi, chỉ 5 phút chuẩn bị thôi nhé, tại cần có mặt gấp nơi người dân vào rừng”. Chỉ vơ vội cái máy ảnh, tôi phóng xe máy lên Ban quản lý rừng Hàm Thuận – Đa Mi và theo Phương đi về phía xã Lộc Nam thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Từ xã Đa Mi đi đến Trạm bảo vệ rừng (BVR) số 1 khoảng 5 km đường khá dễ đi nhưng từ Trạm BVR số 1 đi vào chốt BVR Đa Răng khoảng 20 km nhưng đường mòn đá lởm chởm cộng với rễ cây rừng nhô cao nên khó đi vô cùng. Phải mất gần tiếng đồng hồ, đoàn mới đến được tiểu khu 165A. Anh Đào Xuân Lễ - Trưởng Trạm BVR số 1 và anh K' Nhẻm ở chốt BVR Đa Răng đã chờ đoàn để đi bộ vào rừng. Nhận định của đoàn là tốp người vào có thể vào tiểu khu 165B, K' Nhẻm lật bản đồ chỉ hướng đi. Đoàn chia thành 2 tốp đi theo 2 hướng, điểm gặp mặt là ở giữa tiểu khu 165B. Trên đường đi Phương kể: K' Nhẻm là người K' ho, hộ khẩu ở xã Lộc Nam, rất rành các ngóc ngách trong địa phận rừng do anh quản lý. Nhờ K' Nhẻm mà trước Ban phát hiện được 10 người ở xã Sơn Điền, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng lén lút ban đêm vào phá rừng làm rẫy. Những người phá rừng dùng đủ thủ đoạn để đối phó với lực lượng BVR, như canh giờ hoạt động, phá rừng lúc trời mưa to để dùng máy móc không phát hiện tiếng động. K' Nhẻm là người bản địa nên khi đi tuần tra thấy dấu hiệu lạ đã báo về Trạm, sau đó Ban đã tổ chức bắt tại trận việc phá rừng của người dân Sơn Điền. Một vụ việc khác là năm 2015, khi gỗ xoan đào có giá nên một số lâm tặc đã lén lút khai thác. Tuy nhiên khi mới khai thác được một ít thì đã bị BVR phát hiện ngăn chặn kịp thời…

z5279102224520_e5b187141e03043b785f1235bc7a7360.jpg

Ban quản lý rừng Hàm Thuận - Đa Mi đang đi kiểm tra rừng ngày 21/3/2024.

Lội bộ trong rừng chừng 2 tiếng đồng hồ thì đoàn phát hiện 3 người đang gom một mớ cây khô to chừng bắp chân người lớn, chiều dài khoảng 2m. Đoàn yêu cầu 3 người dừng lại việc gom cây và mời về chốt làm việc. Tại chốt, người dân khai ở xã Lộc Nam vào rừng lấy cây khô về làm hàng rào cho rẫy cà phê chứ không có mục đích cưa hạ cây phá rừng. Khi nghe nhân viên giải thích việc tự ý vào rừng lấy lâm sản mà không xin phép Ban quản lý rừng là vi phạm pháp luật, nhẹ thì bị phạt hành chính còn có ý phá rừng là truy tố hình sự, cả 3 người rối rít xin lỗi bởi chỉ lấy cây khô làm hàng rào chứ không có ý gì khác…

e569277d298bcb286225ee212e37ae30.jpg
Chốt bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng Hàm Thuận - Đa Mi.

Gian nan nghề giữ rừng…

Trưa nắng chang chang như lửa đốt, đi rừng đã mệt nhưng đường về lại trụ sở Ban còn mệt hơn, đã vậy tôi còn bị Phương nói "cáy": Anh thấy nghề rừng sướng chưa, bọn em làm xa nhà cả trăm km, có con nhỏ mà phải xa vợ con cả tháng mới gặp mặt được 1 - 2 ngày rồi đi lại. Vợ đôi khi giận dỗi nói nhà chỉ là phòng trọ cho chồng ghé thăm... Tự nhiên tôi cảm thấy chạnh lòng, đi rừng rồi mới hiểu việc BVR không đơn giản. Tôi hơi thắc mắc việc người dân điện báo cho Ban biết có người vào rừng, anh Nguyễn Văn Châu – Phó phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi cho hay: Mùa khô, rừng rất dễ cháy, đây cũng là thời điểm nhiều người có ý đồ xấu vào phá rừng làm rẫy. Được cái là hiện nay người dân giờ phối hợp với Ban tốt lắm chú. Bởi Ban thường xuyên gặp gỡ trao đổi với dân, đôi lúc có người cần một ít phế phẩm rừng để phục vụ sinh hoạt gia đình, Ban tạo điều kiện hỗ trợ nên khi có chuyện là họ gọi báo liền. Nhờ vậy mà nhiều năm nay Ban kiểm soát tốt việc phá rừng, giảm đáng kể vụ việc vi phạm lâm luật trên địa phận quản lý. Ban được cho biên chế 37 người nhưng hiện nay chỉ có 28 người đang thiếu 9 người nhưng phải quản lý tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao là 19.665,96 ha, gồm 29 tiểu khu. Trong đó diện tích rừng phòng hộ là 14.940,03 ha/19 tiểu khu, diện tích rừng sản xuất là 4.725,93 ha/10 tiểu khu. Rừng ở khu vực thuộc Ban quản lý phụ trách có đặc thù là giáp ranh với nhiều huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lâm, Di Linh. Còn trong tỉnh thì giáp với Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc…

z5279102573440_33a37f545f574d88e187d3599e21fa2a.jpg
z5279103065485_27265c24c19b3ce50020c42c201854a7.jpg

Ban hiện có 6 Trạm BVR đóng tại vị trí cửa rừng, mỗi trạm bố trí từ 3 đến 4 người tùy vào diện tích rừng và tình hình thực tế, giao quản lý trực tiếp 29 tiểu khu rừng cho 6 Trạm BVR để quản lý, bảo vệ. Đơn vị tổ chức giao khoán rừng cho 450 hộ nhận khoán với tổng diện tích 15.632,13 ha. Đối tượng được giao nhận khoán là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số K’ ho hộ khẩu xã La Dạ và xã Đông Tiến (tổng số 416 hộ) và người Kinh xã Đa Mi, La Dạ (34 hộ). Để công tác quản lý BVR - phòng, chống cháy rừng (PCCR) đạt kết quả, đơn vị thành lập 9 chốt BVR ở cửa rừng, giao 6 Trạm BVR quản lý và phân chia thành 67 tổ BVR, bình quân 5 – 6 hộ nhận khoán/1 tổ. Các Tổ BVR thay nhau trực chốt, trực PCCCR và đi kiểm tra rừng theo lịch phân công, điều hành của các Trạm BVR, bình quân mỗi tổ trực 3 ngày/1 lượt/5-6 người (1 tháng trực 2 lượt xoay vòng giữa các Tổ BVR). Đảm bảo ngày nào trong tháng cũng có Tổ BVR trực và kiểm tra rừng…

Rừng phòng hộ đầu nguồn Hàm Thuận – Đa Mi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo việc phòng hộ, sinh thủy cho công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Từ đó góp phần giữ đất sinh nước và các khu vực hạ lưu sông La Ngà nhằm phục vụ các nhu cầu dân sinh kinh tế cho địa phương Tánh Linh, Đức Linh và sắp tới là khu vực Hàm Tân, La Gi... Rừng Hàm Thuận – Đa Mi còn gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế của tỉnh, đồng thời cải thiện sinh kế cho các hộ dân sống gần rừng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

PHÓNG SỰ: NHỊ THIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kịp thời cứu người đuối nước khi tắm biển
Một người phụ nữ tắm biển cùng người thân tại khu vực bãi tắm gần biển Đồi Dương, TP. Phan Thiết nhưng không may bị đuối nước. Nhân viên cứu hộ bờ biển Đồi Dương đã đến sơ cứu và gọi xe cứu thương đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ rừng phòng hộ… liên tỉnh