Theo dõi trên

Giữ trong sáng tiếng Việt khi làm văn

05/11/2021, 11:32 - Lượt đọc: 6

BT- Tôi đang săm soi cây bon sai thì Quân - đứa cháu gọi tôi bằng bác, dẫn bạn nó vào vui vẻ báo tin: Con có giấy báo nhập học rồi. Con học kinh tế còn bạn Hà học ngoại thương. Tôi chúc mừng hai tân sinh viên, rồi bác cháu tâm sự về những kỷ niệm ngày chúng học ở trường phổ thông. 

Bất đồng vì chưa được khai sáng

Khi nói về chuyện học văn, thằng Hà tỏ ra ấm ức khi bị mất điểm về chuyện cô giáo bắt lỗi chính tả trong giờ trả bài làm văn. Tôi hỏi sự thể thế nào? Chúng bắt đầu kể thái độ không đồng tình với cô giáo mà khi còn đang học với cô chúng không bao giờ dám nói. Ấy là chuyện, trong giờ trả bài làm văn, sau khi nhận xét ưu khuyết về bài làm chung cả lớp, cô giáo nghiêm khắc nói rằng cô không bằng lòng với một bộ phận học sinh hiện nay chạy theo trào lưu trên internet, trên các tin nhắn zalo, messenger, rồi mang loại ký hiệu ấy để viết khi diễn đạt trong bài làm văn là không đúng chữ viết tiếng Việt theo quy định. Và cô nêu đích danh tên Quân, Hà, Thư và vài bạn khác. Cô nói trên mạng có nhiều điều hay và cũng có điều không hay. Tiếp cận cái mới là để học tập chứ không đua đòi chạy theo những cái không hay mà cứ tưởng như thế là hay. Tại sao chữ “Bình Thuận” lại viết “Bìn Thụn”. “Rất nhiều” lại viết “rất nhìu”, “vui quá” lại viết “vui wa”…

Nghe chúng kể, tôi hiểu được tâm trạng cô giáo bức xúc là do học trò của cô học cách nhắn tin vui đùa trên mạng rồi quen tay viết vào bài làm văn. Thực tế hiện nay, số đông người, nhất là giới trẻ, nhắn tin cho nhau trên messenger, zalo, họ chọn cách viết theo những quy ước riêng, gần như kiểu tốc ký – chứ không phải tốc kí, rồi thành thói quen. Như có bạn viết: “N co dj hoc thim o? If dj, cum thim cho M cun sgk mun li” (hiểu là: “Anh có đi học thêm không? Nếu đi, cầm thêm cho em cuốn sách giáo khoa môn li). Trả lời: “N bit rui” (Anh biết rồi).

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Hà nói, hôm ấy cô mắng bọn con, viết thế không chỉ làm méo mó chữ viết mà còn làm nghèo tiếng Việt. Tôi trao đổi với các cháu, chữ viết cho một loại ngôn ngữ do quy ước mà có. Trong cuộc chơi, nhiều khi để truyền đạt thông tin cho nhau trên mạng, hiện nay tuổi trẻ có những sáng tạo ký hiệu chữ viết ngầm quy ước chung để hiểu nội dung nào đó như nhau, những cách chơi như vậy cũng không trách họ được. Sự bức xúc của cô giáo với các cháu không chỉ dừng lại ở mấy lỗi chính tả mà cô có thái độ gay gắt bởi lo lắng trước hậu quả của những hành vi sẽ thành thói quen. Chữ viết là một ký hiệu biểu đạt ngôn ngữ của một quốc gia – dân tộc, nó có những quy tắc bắt buộc phải tuân theo. Quốc gia nào cũng vậy. Các em học ngoại ngữ thì biết đấy, chỉ thêm hay bớt một chữ “s” thì nghĩa đã khác rồi. Trong chữ viết tiếng Việt cũng vậy, có “g” hay không “g”, rồi “c” hay “t”, dùng dấu hỏi hay ngã… là nghĩa đã khác rồi. Ví dụ chữ “bàng quan”, chữ “quan” không có “g” là chỉ thái độ làm ngơ, hờ hững, đứng ngoài cuộc, coi như không dính líu gì đến mình. Còn “bàng quang”, chữ “quang” có “g” là cơ quan chứa nước tiểu do thận tiết ra trước khi ra ngoài cơ thể qua niệu đạo. Chữ “giặt” phụ âm cuối “t” là giặt áo quần; còn “giặc” phụ âm cuối “c” là giặc giã, “giặc” là nói việc gây ra tình hình rối ren. Thế nhưng nhiều người sử dụng không chuẩn, bác thấy trên các hẻm phố, có người viết biển quảng cáo: “Ở đây có giặc ủi”. Vậy “giặc ủi” là giặc gì? Viết sai chính tả trở thành vô nghĩa! 

Vui đùa cũng phải đúng nơi

Đặc biệt trong những văn bản hành chính, khoa học, nghệ thuật không được viết tùy tiện. Các cháu biết đấy, ngay hồ sơ các cháu khi làm đơn dự thi, giấy khai sinh thì ghi “Nguyễn Văn Thy”, còn học bạ hay bằng tốt nghiệp ghi “Nguyễn Văn Thi”, đều đọc một âm như nhau, nhưng từ phụ âm cuối “y” sang “i” là hồ sơ bất hợp lệ rồi. Nhất là hồ sơ xuất cảnh, như thế là bị loại ngay. Trong bài tập làm văn cũng thế, là nơi thể hiện một cách nghiêm túc về chữ viết theo quy định. Chứ “Bình Thuận” mà viết “Bìn Thụn”, “Anh biết rồi em yêu” mà viết “N bit rui e iu” thì cô giáo nào mà chấp nhận được.

Qua chuyện các cháu học sinh trao đổi, tôi nghĩ giá như cô giáo nên có một buổi học ngoại khóa trên cơ sở bài học đầu năm “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì học trò đỡ phải băn khoăn. Phía học trò phải nhận thức được rằng, để đạt được sự trong sáng khi sử dụng tiếng Việt, mỗi cá nhân cần có tình cảm quý trọng, có ý thức và rèn luyện thói quen trong quá trình sử dụng tiếng Việt theo các chuẩn mực, với những quy tắc chung, làm cho cách viết và lời văn vừa đúng, vừa hay, như thế mới là người có trình độ văn hóa.

Đinh Đình Chiến



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ trong sáng tiếng Việt khi làm văn