PV: Thưa ông, những điểm nổi bật của ngành y tế trong thời gian qua như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Từ năm 2020 đến những tháng đầu năm 2022, toàn ngành y tế nỗ lực tập trung phòng, chống dịch Covid-19, góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 ở mức thấp nhất có thể và từng bước kiểm soát dịch bệnh. Năm 2022, dịch Covid-19 vừa được kiểm soát, thì bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường, ngoài dự báo với số ca mắc tăng cao so năm 2021. Thêm vào đó, tình hình cung ứng, mua sắm hóa chất phòng, chống dịch, thuốc điều trị rất khó khăn, nhưng thủ trưởng và viên chức các đơn vị y tế đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch và điều trị bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh duy trì sự ổn định về tổ chức, số lượng người làm việc tại các đơn vị y tế trong tình hình ở nhiều tỉnh, thành khác có số lượng người bỏ việc, thôi việc khá nhiều. Nhìn chung, ngành y tế tỉnh gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhưng công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Đặc biệt, toàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm vào năm 2022.
PV: Ông cho biết cần làm gì để phát triển năng lực của hệ thống y tế của tỉnh?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Hiện nay, cơ sở vật chất của các cơ sở khám, chữa bệnh nhiều nơi xuống cấp, cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới. Các trang thiết bị y tế hiện tại chỉ đáp ứng duy trì các dịch vụ y tế cơ bản hiện có. Cơ cấu nhân lực y tế về chuyên khoa và trình độ chưa phù hợp, thiếu bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I, thạc sĩ và chuyên khoa cấp II, tiến sĩ phụ trách các khoa lâm sàng mặc dù số lượng bác sĩ tăng nhanh trong những năm qua nhờ chính sách đào tạo của tỉnh (đến nay số bác sĩ/1 vạn dân đạt 8,1). Để phát triển năng lực hệ thống y tế của tỉnh, ngành y tế tỉnh cần được đầu tư, trang bị một cách đồng bộ 3 yếu tố như được đề cập. Cùng với đó, là nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị bệnh viện; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chuyển đổi số y tế một cách có hệ thống và hiệu quả. Hiện nay, ngành y tế tỉnh đang xây dựng đề án phát triển ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, đề án xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, kinh phí và lộ trình thực hiện.
PV: Thưa ông, sự phát triển hoạt động y tế tư nhân hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Bình Thuận hiện có 2 bệnh viện đa khoa tư nhân gồm Bệnh viện An Phước và Bệnh viện Tâm Phúc; khoảng 400 phòng khám, cơ sở dịch vụ y tế, thì có 6 phòng khám đa khoa. Các cơ sở y tế tư nhân đã góp phần đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế khác cho người dân trong tỉnh. Trong đó, các bệnh viện tư nhân và một số phòng khám đa khoa cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan rất quan tâm tạo điều kiện tăng cường xã hội hóa, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ y tế tư nhân nhằm đa dạng các hình thức và tạo thuận lợi cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Trong thời gian đến, ngành tiếp tục thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hành nghề y ngoài công lập; khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ y tế tư nhân ở các lĩnh vực người dân có nhu cầu cao tại địa bàn các huyện.
PV: Ông có nhắn gửi gì tới những người thầy thuốc trong tỉnh nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng, lời tri ân đến những thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc đã và đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Rất mong các thầy thuốc cố gắng khắc phục những khó khăn trước mắt, giữ vững niềm tin, tâm huyết, kiên trì thực hiện tốt chức trách, vị trí việc làm được giao để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!