Theo dõi trên

Gỡ “thẻ vàng” EC: Bộn bề nỗi lo

29/07/2019, 09:07

BT- Theo dự kiến, tháng 10/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nếu kết quả kiểm tra không đáp ứng được các khuyến nghị của EC, thì nguy cơ sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Trước tình hình đó, tỉnh đang tập trung mọi biện pháp để gỡ “thẻ vàng” EC, nhưng dường như hành trình này còn lắm gian nan…

Bài 1: Ghi nhật ký khai thác thủy sản: Dễ mà khó!

Ghi nhật ký khai thác thủy sản (KTTS) giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt được dễ dàng hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng KTTS bất hợp pháp, đồng thời cũng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân. Bởi ngoài đảm bảo quy định của doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, việc tuân thủ ghi nhật ký KTTS là căn cứ để các chủ tàu được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

                
Ít tàu thuyền đánh bắt xa bờ ghi nhật ký    khai thác thủy sản vì sợ lộ ngư trường. Ảnh: N.Lân

 Chuyện tưởng dễ “như trở bàn tay” lại là chuyện rất khó thực hiện đối với các chủ tàu cá. Một phần do thói quen lâu nay họ không ghi chép, một phần do tâm lý “chim trời cá biển” nên hiện nay mới chỉ có các tàu khai thác xa bờ ghi nhật ký KTTS. Trong đó, một số tàu không thực hiện hoặc có ghi nhật ký nhưng theo kiểu đối phó để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Còn những tàu thuyền hoạt động ở vùng lộng, gần bờ hầu như chưa tuân thủ quy định này. Theo các trạm kiểm soát biên phòng trên địa bàn tỉnh, đối với các tàu, thuyền KTTS gần bờ, trước khi ra khơi, cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý, cấp giấy đăng ký, sổ danh bạ thuyền viên, đăng kiểm, nghề khai thác… Còn chủ tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt loại thủy sản gì, bán ở đâu, cho ai thì không thể kiểm soát hết được. Đặc biệt, đối với các tàu hành nghề giã cào (lưới kéo), việc ghi nhật ký KTTS hầu như không thực hiện vì ngư dân sợ lộ ngư trường. Ngư dân Nguyễn Thanh Bình - phường Phú Hài chia sẻ: “Để tiết kiệm nhiên liệu, tàu của tôi và nhiều tàu khác thường bán hải sản trực tiếp trên biển, rồi tiếp tục chuyến đánh bắt kéo dài cả tháng trời. Chính vì thế, chúng tôi khó có thể ghi chép đầy đủ, cụ thể từng nội dung quy định trong nhật ký KTTS. Đặc biệt, các thông tin như khai báo về tọa độ, sản lượng, các loại sản phẩm khai thác… ít tàu cá nào thực hiện vì dễ bị lộ ngư trường, luồng cá và doanh thu…”. Thực tế, nếu ngư dân không chủ động ghi nhật ký, việc doanh nghiệp đi từng tàu để xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt, nhằm đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Toàn tỉnh hiện có hơn 6.800 tàu thuyền, trong đó có hơn 3.300 tàu cá có công suất 90CV trở lên. Sản phẩm khai thác được quản lý, xác nhận tại 3 cảng cá: Phan Thiết, Phan Rí Cửa và La Gi. Theo BQL Cảng cá Phan Thiết, tất cả các ngư dân KTTS xa bờ đều được phát mẫu và hướng dẫn cách ghi chép nhật ký mỗi chuyến biển, nhưng phần lớn ngư dân chỉ ghi chép 4 chuyến biển để làm cơ sở đề nghị hỗ trợ chính sách phát triển thủy sản theo Quyết định 48 của Chính phủ. Số còn lại, ghi chép nhật ký sai nhiều và ghi để đối phó.

Từ khi EC cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản thông qua nhật ký khai thác đã được ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đến ngư dân trong tỉnh. Tuy nhiên, chỉ một số ít tàu cập cảng làm thủ tục khai báo với ngành chức năng về hành trình, sản lượng... Trong khi số lượng lớn tàu cập ở nơi khác, hoặc bán cá trên biển vẫn chưa thể kiểm soát được. Do đó, theo Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, đối với những tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình mới được cấp giấy phép KTTS. Và thuyền trưởng phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24h từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng.

    
    Một số   công ty chuyên xuất khẩu thủy sản trong tỉnh cho biết: Năm 2018, hàng   xuất khẩu sang thị trường EU giảm từ 30 - 50% vì nguyên liệu được xác   nhận nguồn gốc rất ít, do ngư dân không ghi chép đầy đủ nhật ký đánh   bắt.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc với Hội Nông dân Bình Thuận
BTO-Chiều 6/9, Đoàn công tác do bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới (gọi tắt Nghị quyết 19) trên địa bàn tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ “thẻ vàng” EC: Bộn bề nỗi lo