Ảnh có tính chất minh họa. |
Tác phẩm vào giáo khoa thư
Trước kia, bài “Đoàn thuyền đánh cá” đưa vào dạy ở chương trình cấp 3, sau khi thay sách, chuyển xuống dạy ở chương trình cấp 2 – THCS, cho đến bây giờ. Nhớ hồi mới đưa bài thơ này vào dạy, anh chị em giáo viên văn tìm hiểu, nghiên cứu và hết lời ca ngợi những nét đẹp thể hiện niềm vui to lớn của người lao động được giải phóng, con người lao động mới, một chân trời cuộc sống rực sáng như “mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”… Tiếp sau đó, Bộ Giáo dục chủ trương dạy “tích hợp giáo dục hướng nghiệp”, bài “Đoàn thuyền đánh cá” là một trong những địa chỉ để vận dụng dạy tích hợp theo chủ trương này, đặc biệt với những học sinh ở vùng duyên hải – đang sinh sống cận bờ sát biển là yếu tố thuận lợi vô cùng. Nên tập trung vào khai thác nghệ thuật để làm nổi bật lên cảnh lao động, điệp từ “hát” lặp lại 4 lần, gợi lên không khí vô cùng sôi nổi tươi vui, đầy chất thơ của những người lao động biển… Kết bài bao giờ cũng khen cảm hứng trữ tình và nghệ thuật “điêu luyện” trong bài thơ cuốn hút người đọc, rồi “giáo dục tư tưởng” và “hướng nghiệp”…
Lãng mạn và hiện thực
Cảm kích bài thơ đi vào nhà trường trong cái khí thế như vậy, nên với giọng diễn cảm bài thơ của anh bạn, lúc sang sảng reo vui, khi đắm trầm ngào ngọt, làm cho không gian về đêm càng lắng đọng. Ông phụ huynh ngồi nghe từ đầu đến cuối hết sức chăm chú. Bạn tôi nghĩ, chắc ông tâm đắc nên cười rồi hỏi: Nhìn mấy món đặc sản của bác chiêu đãi quá sang trọng, nên tôi đọc bài thơ này để tặng riêng cho bác. Ông gật gù khen thầy có giọng đọc rất hay. Ông lại mở nút chai châm rượu. Anh bạn tôi tỏ ra đắc ý hỏi, bác quanh năm đi khơi đi lộng thấy bài thơ thế nào? Ông nói, cái thời bọn tôi chẳng được học hành bao nhiêu, nên không hiểu gì mấy về thơ ca, nhưng nghe thầy đọc, sao tôi thấy giống như đoàn văn công đi biểu diễn. Nghe ông nói thế, tôi chợn cả người. Rồi ông tiếp, nghề của tôi là nghề cha truyền con nối mấy đời, tôi đi khơi cũng đã trên 40 năm rồi. Quý thầy có biết không, đi khơi vất vả lắm, gặp lúc trời êm thì chẳng nói gì. Gặp khi biển động thì vô cùng gian khổ. Có người vừa kéo lưới vừa nghiêng người ra be thuyền mà ói mửa. Lỡ khi bão tố mà thuyền ở xa chưa vào kịp thì biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đi biển quen thế, chứ nhiều người lên bờ nghỉ khoảng vài ba tuần, ra khơi trở lại là say sóng. Đến đây ông lại nâng cốc uống. Chúng tôi im lặng. Ông hỏi, thầy đọc câu gì “trăng, trăng” ấy nhỉ? Anh bạn nhắc lại: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng/Lướt giữa mây cao với biển bằng”. Ông cười, ờ ờ, câu ấy… từ thời thuyền buồm đến bây giờ thuyền máy, chúng tôi đều đánh đèn vào những đêm tối trời, chứ đánh bắt vào những đêm có trăng thì đèn khó mà hút được cá, mực. Phản biện của ông làm cho chúng tôi vỡ ra biết bao điều về cuộc sống muôn màu đang diễn ra mà có mấy người đứng lớp biết đến.
Dạy và học để làm gì
“Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận là bài thơ viết theo cảm hứng lãng mạn, thăng hoa trí tưởng tượng. Từ đó, khi chúng tôi có ra đề kiểm tra về bài thơ này thường đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường biển đảo, có khi hỏi cách nhà thơ miêu tả cảnh lao động biển, nhằm để các em có ý kiến phản biện, nói lên hiện thực gian khổ của người lao động biển, nhưng chẳng có em nào đề cập đến. Từ chương trình - sách giáo khoa đến thầy cô - học trò để đi vào cuộc đời là khoảng cách quá xa, thế nhưng, cách dạy - học mấy chục năm rồi vẫn không có gì thay đổi!
Võ Nguyên