Theo đó, Sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng (tại địa chỉ https://sanphamdiaphuong.com.v...) đã đi vào hoạt động phi lợi nhuận và không thu phí kể từ năm 2021. Trong năm qua, ngành Công Thương địa phương tiếp tục được Bộ Công Thương phê duyệt Đề án “Nâng cấp Sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng”. Cùng lúc còn phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện triển khai kết nối Sàn thương mại điện tử ngành Công Thương với Sàn thương mại điện tử quốc gia (https://sanviet.vn) để nâng cao hiệu quả khai thác của sàn. Thông qua đó, Sàn thương mại điện tử ngành Công Thương đến nay đã được nâng cấp, hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các tính năng và chính thức đưa vào hoạt động từ đầu tháng 4/2024. Theo Sở Công Thương Bình Thuận thì hiện trên sàn có 74 gian hàng đăng ký tham gia với gần 180 sản phẩm…
Tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh gia tăng uy tín và sức cạnh tranh, vừa qua ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai hoàn thành xây dựng phần mềm “Truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh” (https://truyxuatsanphambinhthu...). Cũng đi vào hoạt động phi lợi nhuận và không thu phí, hiện phần mềm này không những giúp hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh tự tạo mã QR trên sản phẩm của đơn vị, mà còn góp phần bảo vệ người tiêu dùng tránh phải trường hợp mua hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Được biết thời gian tới, Sàn thương mại điện tử ngành Công Thương sẽ tăng cường công tác quảng bá thương hiệu, quảng bá tinh hoa hàng Việt và giới thiệu sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra còn thường xuyên cập nhật thông tin, cơ chế, chính sách mới và vận động doanh nghiệp tham gia, phát triển số lượng gian hàng cũng như số lượng các sản phẩm. Đồng thời hướng tới hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối trực tiếp và đảm bảo 100% các sản phẩm của Bình Thuận có mã QR truy xuất nguồn gốc điện tử khi tham gia trên sàn, tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.
Do vậy để triển khai hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực thì rất cần sự chung tay, góp sức của các sở ngành, địa phương, đoàn thể, đơn vị liên quan trong việc vận động, cung cấp thông tin đến hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Từ đó quan tâm đăng ký đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (https://sanphamdiaphuong.com.v...) và tham gia phần mềm “Truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh” (https://truyxuatsanphambinhthu...). Riêng những đơn vị đã có sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử ngành Công Thương cần thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm. Mặt khác còn thực hiện đầy đủ các giao dịch và tạo mã QR cho các sản phẩm chưa có mã để đảm bảo 100% sản phẩm đều có mã QR truy xuất nguồn gốc điện tử khi tham gia trên sàn.