Theo dõi trên

Góp sức quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt

07/11/2024, 05:16

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, ngành Công Thương địa phương đã tích cực hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ hàng Việt Nam bằng đa dạng hình thức.

Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua Sở Công Thương Bình Thuận luôn quan tâm xúc tiến chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Qua 15 năm đồng hành cùng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (từ 2009 - 2024), đến nay ngành đã phối hợp thực hiện 56 phiên chợ hàng Việt và hỗ trợ cho gần 1.000 lượt doanh nghiệp trong lẫn ngoài tỉnh tham gia. Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo tổ chức tại hầu hết các huyện qua từng năm được ghi nhận phát triển cả về số lượng doanh nghiệp tham gia và đa dạng về sản phẩm. Nhờ đó từng bước làm thay đổi nhận thức cũng như hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt chất lượng tốt, có thương hiệu của người dân.

z5877687173839_6a3440f7da699f6a461b69a6a27e51e2.jpg
Tổ chức phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Bắc Bình năm 2024 (Ảnh minh họa).

Nhằm góp sức quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt, ngành Công Thương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm. Đây được xem là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm lợi thế, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của Bình Thuận đến người tiêu dùng. Thông qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia. Trong đó nổi bật là chuỗi sự kiện ngành Công Thương khu vực phía Nam, hợp tác ngành Công Thương 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành…

img_5720.jpg
Nhiều sản phẩm lợi thế của doanh nghiệp Bình Thuận được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tại thị trường TP. Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa). 

Đặc biệt với TP. Hồ Chí Minh - thị trường tiềm năng nhất cả nước, hàng năm sở chức năng của Bình Thuận tích cực hỗ trợ, vận động doanh nghiệp trong tỉnh tham gia kết nối cung - cầu. Chủ yếu tập trung vào những sản phẩm lợi thế như: Nước mắm truyền thống, thanh long và sản phẩm từ trái thanh long, hải sản và sản phẩm chế biến từ hải sản… Theo đó đã kết nối tham gia vào các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị Big C), Công ty CP King Food Market, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam. Hay như Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty CP Sài Gòn HD - Genshai Mart, Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, Công ty TNHH Recess (Lazada Việt Nam)…

Theo xu hướng chung, những năm gần đây ngành Công Thương Bình Thuận cũng phối hợp làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử lớn. Nhờ đó hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp địa phương xây dựng kênh bán hàng trực tuyến với lượng tương tác cao để tăng nhận diện thương hiệu, tiếp cận và thu hút khách hàng cũng như thúc đẩy doanh số gian hàng trực tuyến. Được biết hiện có nhiều sản phẩm như Nước mắm Cá Đen, Nước mắm Thuận Hưng, Nước mắm Bà Hai, Hải sản Đầm Sen, sản phẩm hải sản của Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thuận… đã tham gia các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Ti ki, Alibaba, Amazon, Tik tok. Riêng tại Bình Thuận, ngành đã xây dựng sàn thương mại điện tử của tỉnh (địa chỉ https://sanphamdiaphuong.com.v......) và đi vào hoạt động phi lợi nhuận, không thu phí. Sàn thương mại điện tử này không những hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong tỉnh mà còn hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp các vùng miền trên cả nước giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng và tăng cường kết nối cung - cầu để trao đổi, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, tới đây ngành Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp góp mặt tại hội chợ, triển lãm và tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn. Cùng với đó tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo và xây dựng điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Vận động hưởng ứng các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sản phẩm sản xuất trong nước, trong tỉnh…

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng kinh tế Bình Thuận
Bên cạnh dự kiến kế hoạch năm 2025, Bình Thuận cũng tính đến nhu cầu vốn đầu tư công cho giai đoạn 2026 - 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Nổi bật
Sùng Nhơn và diện mạo của xã nông thôn mới nâng cao
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Sùng Nhơn là một xã miền núi của huyện Đức Linh, có thế mạnh về đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho sản xuất cây trồng. Bởi thế rất dễ tin, khi thu nhập chính của nhân dân trong xã chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, chiếm tỉ lệ khoảng 90%.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp sức quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt