Theo dõi trên

Đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng kinh tế Bình Thuận

31/10/2024, 05:09

Bên cạnh dự kiến kế hoạch năm 2025, Bình Thuận cũng tính đến nhu cầu vốn đầu tư công cho giai đoạn 2026 - 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Đối với giai đoạn 2026 - 2030, qua tổng hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận cho biết, tổng nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công của các sở ngành, chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng 63.000 tỷ đồng. Trong đó có 113 dự án khởi công mới đã được UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để đưa vào kế hoạch trung hạn 2026 - 2030 với dự kiến tổng mức đầu tư gần 21.800 tỷ đồng… Liên quan nội dung này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Thuận có ý kiến về dự toán nguồn vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.

z4733714424105_e7d8868862ca287b8c5dba09416d70fc-1-.jpg
Vốn đầu tư công sẽ ưu tiên bố trí cho các dự án quan trọng, trong đó có giao thông kết nối (ảnh minh họa).

Trên cơ sở ý kiến đóng góp và để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế địa phương theo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ mới cũng như định hướng xây dựng các công trình trọng điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất UBND tỉnh dự kiến dự toán vốn đầu tư công cho giai đoạn 2026 - 2030. Cụ thể, nhu cầu vốn trong giai đoạn sắp tới là 32.234 tỷ đồng, con số này tăng hơn 10.000 tỷ đồng so kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó bao gồm các nguồn: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước 3.037 tỷ đồng, vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 11.000 tỷ đồng (khối huyện 3.000 tỷ đồng và khối tỉnh 8.000 tỷ đồng), vốn xổ số kiến thiết 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước hơn 5.100 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương nước ngoài (ODA) là 1.355 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 1.015 tỷ đồng…

Lý giải về cơ sở đề xuất nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh lên đến 8.000 tỷ đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng giai đoạn 2026 - 2030 sẽ phát sinh nguồn thu tiền sử dụng đất lớn. Nhất là từ những dự án đô thị, thương mại, dịch vụ, nhà ở trên một số tuyến đường trọng điểm như các khu III, IV, V thuộc quỹ đất hai bên đường Võ Nguyên Giáp và các khu đất ở trên đường 719B... Trong khi với khối huyện 3.000 tỷ đồng thì giao UBND các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu thu và phân bổ chi tiết cho các dự án trên địa bàn.

Cũng theo đề xuất, nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 sẽ hướng tới thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng hoặc chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Với từng ngành hoặc lĩnh vực, việc bố trí vốn cũng thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch. Sau khi bố trí đủ vốn cho các trường hợp theo thứ tự ưu tiên vừa nêu thì xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định.

Riêng danh mục công trình, dự án trọng điểm đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh chọn 11 công trình, dự án tiêu biểu, quy mô lớn, có ý nghĩa thiết thực, tác động lan tỏa, đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Theo đó, khả năng thực hiện trong giai đoạn sắp tới gần 10.070 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 30% so dự kiến tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh là 32.234 tỷ đồng.

Mới đây tại cuộc họp nghe báo cáo về dự kiến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công và danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2026 - 2030, lãnh đạo UBND tỉnh đã cơ bản thống nhất về các nội dung liên quan. Trong đó lưu ý cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng, dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án giao thông kết nối lan tỏa liên vùng và có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Theo văn bản mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025 thì Bình Thuận có tổng vốn hơn 3.480 tỷ đồng. Gồm: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước 508,88 tỷ đồng, nguồn thu sử dụng đất 800 tỷ đồng (giảm 400 tỷ đồng so kế hoạch năm 2024), nguồn vốn xổ số kiến thiết 2.150 tỷ đồng (tăng 350 tỷ đồng so kế hoạch năm 2024), nguồn bội chi ngân sách địa phương dự kiến 21,6 tỷ đồng (giảm 85,9 tỷ đồng so kế hoạch năm 2024).

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phấn đấu vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024
Những tháng cuối năm 2024 đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng khi phải đối mặt với hàng loạt biến động lớn từ bên ngoài. Đồng thời ảnh hưởng của sự thay đổi của các chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động từ thị trường quốc tế cũng đang tạo ra nhiều sức ép. Chính vì vậy, tỉnh sẽ có các giải pháp dài hơi để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng kinh tế Bình Thuận