Theo dõi trên

H.50 – huyền thoại trên vùng đất Đa Kai

17/04/2025, 05:08

Tháng tư, tháng của những sự kiện lịch sử lớn, tôi có dịp theo chân các bác, các cô, các chú... những người cựu thanh niên xung phong(TNXP) của Đoàn vận tải H.50 hành hương về Đai Kai (huyện Đức Linh) - vùng căn cứ cách mạng năm xưa. 50 năm, sau ngày đất nước thống nhất, đã đọng lại những câu chuyện lịch sử dung dị, sâu lắng... Những tên đất, tên rừng, tên người như còn lắng đọng với bao kỷ niệm ở nơi này.

a2d837db30c2839cdad3.jpg
Ông Văn Công An (áo trắng) nguyên Trợ lý chính trị của Đoàn vận tải H.50 năm xưa.

1. Đa Kai – những ngày tháng tư nắng chói chang. Gần 200 cựu thanh niên xung phong của các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh … giờ đều đã ở tuổi 70, 80. Hôm ấy, họ gặp nhau, ôm chầm lấy nhau: “Còn nhớ tôi không? Nhớ hồi đó!...”. Những dòng hồi ức đong đầy, những cảm xúc thiêng liêng dồn nén chợt vỡ òa sau mấy chục năm gặp lại. Đã có những giọt nước mắt rơi. Bao câu chuyện vui buồn, bao kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội về những tháng ngày sống và chiến đấu ở nơi này bỗng chốc hiện về như mới hôm qua.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đa Kai là một trong những vùng căn cứ cách mạng, nơi cửa ngõ xung yếu án ngữ phía Tây Bắc huyện Đức Linh; là điểm địa đầu nối con đường hành lang chiến lược từ Trung ương Cục vào Khu VI. Đoàn vận tải H.50 ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên đang đòi hỏi về vũ khí đạn dược. Đoàn thành lập vào tháng 4/1967, anh chị em đến với Đoàn H.50 với tuổi đời mười tám, đôi mươi, đông nhất là chị em ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng... Đây là đơn vị đầu mối tiếp nhận mọi sự chi viện của Trung ương từ Bắc vào và Trung ương Cục miền Nam, nhằm vận tải hàng hóa đến những đơn vị trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức... Ngoài việc vận tải hàng chiến lược, Đoàn còn có nhiệm vụ bám giữ hành lang nối liền Quân khu và Miền, liên hệ chặt chẽ đường dây Bắc-Nam, đưa các đoàn qua lại, sẵn sàng chiến đấu và nhận nhiệm vụ khi quân khu cần.

Ông Văn Công An đến từ tỉnh Ninh Thuận - nguyên Trợ lý chính trị của Đoàn vận tải H.50 lúc bấy giờ kể rằng: “Địa bàn nằm giữa nối liền Đông Nam bộ với Tây Nguyên và miền Trung Trung bộ và cũng là cửa ngõ hướng tiến công chính của ta vào Sài Gòn, sào huyệt của kẻ thù từ phía Đông và Đông Bắc nên có vị trí chiến lược rất quan trọng. Lúc bây giờ, lực lượng TNXP – Đoàn H.50 chiến đấu với tinh thần: “Cung đường là chiến trường - Vũ khí là hàng hóa - Năng suất là chiến công”. “Chiến trường cần súng đạn để tiêu diệt kẻ thù, những chiến sĩ Đoàn H.50 đã không tiếc xương máu, có người đã nói: “Có chết cũng mang, bồng hàng trên vai, mặt hướng về chiến trường mà chết” hay “Còn cái lai quần cũng đi tải đạn”, ông An nói.

Hơn 8 năm (4/1967-6/1975), Đoàn đã vận chuyển hơn 3.000 tấn vũ khí, thuốc men, lương thực cho chiến trường, cắt hơn 100 con đường, làm hơn 250 cây cầu, chiến đấu diệt 354 tên địch, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 2 xe bọc thép, đưa hơn 100 đoàn thương binh ra Bắc an toàn... Những tên đất, tên rừng như: suối Rù Rì, đồi Đất đỏ, cánh đồng Năm Sao, Bàu Ém, Bàu Sen của xã Đa Kai đã tạo nên những câu chuyện thần kỳ mà trong đó có 158 anh hùng liệt sĩ TNXP của Đoàn vận tải H50 đã vĩnh viễn ra đi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trên mảnh đất kiên trung này. Lý giải vì sao có tên Bàu Ém, các cựu TNXP đoàn H50 cho biết: Bàu Ém là địa danh ta đặt “ém quân”. Phía sau là rẫy cũ nhiều năm không canh tác. Phía trước là bàu nước do con lạch sông La Ngà tạo nên. Đồng Đa Kai, khi mùa mưa nước sông La Ngà dâng cao nước ngập trắng đồng. Nhiều kênh mương ngang dọc dưới nước là những chướng ngại, không may rơi vào đó dễ bị trật chân, hàng nặng đè lên ngập người trong nước. Do vậy, người đi trước nương kéo người đi sau, người đi sau đỡ người đi trước. Đặc biệt, có những câu chuyện được kể lại tưởng chừng như đùa nhưng lại là sự khắc nghiệt của những ngày tháng chiến đấu ở nơi đây, đó là việc ăn gạo có chứa chất độc. Các cựu TNXP gọi đấy là ăn “mầm chết” để sống và chiến đấu. Ông Đặng Đình Bông – nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Bình Thuận cho biết: “Thường thì địch đánh vào các kho đạn, kho lương thực của ta sẽ lấy hết đi mọi thứ. Thế nhưng khi đó còn một kho gạo, chúng không lấy đi mà rải chất độc vào. Mặc dù biết là gạo đã dính chất độc nhưng vì không còn gì để ăn nên vẫn phải ăn. “ Mỗi lần nấu cơm, là bỏ gạo trong chiếc rá để dưới suối cho nước chảy qua. Không dám đụng tay vào, vì đụng vào là nát hết. Khi nước sôi thì bỏ gạo vào. Và chúng tôi đã ăn như thế để no, để có sức vận chuyển lương thực và vũ khí cho chiến trường”, ông Bông nói.

d67c544f5356e008b947.jpg
Những câu chuyện thời chiến được các cựu TNXP ôn lại.

2. Những hoa nắng cuối cùng trong ngày còn sót lại, rơi trên những bồng hàng chờ trên vai và những câu chuyện tình thời chiến cũng bắt đầu từ đây. Theo lời giới thiệu của Hội Cựu TNXP xã Đa Kai, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Thị Mai và Đào Cao Vè, một trong những cặp đôi nên duyên nợ từ “ngôi nhà” H.50. Trên mảnh đất kiên trung này, vợ chồng cựu TNXP đon đả đón chúng tôi. Bức ảnh người con gái đạt danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng” của gần 50 năm về trước chợt làm chúng tôi thấy gần gũi quá đỗi. Ông Vè hồ hởi kể lại rằng: Cũng như hàng ngàn thanh niên cùng trang lứa, tháng 8/1964 ông làm đơn tình nguyện vào Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc chiến trường Lào-Đoàn 119. Đến năm 1968, ông chuyển về chiến trường Khu 6 - Đoàn vận tải H.50. Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương nặng phải điều trị, tỷ lệ thương tật 50%. Đồng cảm với ông, bà Nguyễn Thị Mai chính trị viên Phó C8 - Đoàn H50 Quân khu VI, đầy nhiệt huyết của tuổi đôi mươi, là một người con Phan Thiết đã cùng ông kết tóc se duyên đến trọn đời. “ Nói về gian khổ, có ai mà không nhớ tới Đoàn H.50. Ăn lá bép, củ mì thay cơm cả tháng là chuyện thường. Và những năm ác liệt đó, tôi và vợ gặp nhau rồi yêu lúc nào không biết. Tình yêu đó, đã giúp chúng tôi có thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn để tải đạn ra chiến trường”, ông Vè nói.

a620ddd7e6ce55900cdf.jpg
Bà Nguyễn Thị Sáu (TNXP huyện Hàm Thuận Bắc) xúc động khi thắp hương cho đồng đội.

50 năm sau ngày giải phóng, trên vùng đất đạn bom ngày nào đã là màu xanh cuộc sống yên bình. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Thuận và xã Đa Kai đã bằng phương thức vận động xã hội hóa để xây dựng công trình nhà Bia ghi danh 158 liệt sĩ tại vùng đất kiên trung này. Từ khi được tạo dựng đến nay, địa điểm này đã trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đồng thời, di tích đã trở thành nơi về nguồn của các cựu TNXP Đoàn H.50, của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, các cháu học sinh và mọi tầng lớp nhân dân ở các địa phương trong tỉnh. Hôm nay, những chàng trai, cô gái TNXP năm xưa nay ai cũng mái đầu tóc bạc. Những giọt nước mắt rơm rớm khi ôn lại truyền thống hào hùng của một thời đạn bom trước bia ghi danh 158 liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Sáu (TNXP huyện Hàm Thuận Bắc) đến viếng hương đồng đội đang yên nghỉ mà lòng không khỏi xúc động. “Hôm nay, trở về mảnh đất này sau bao nhiêu năm mà chúng tôi cứ ngỡ như mới hôm qua, đã cùng với đồng đội của mình tham gia thông đường, chống lầy và tải đạn, lương thực ra chiến trường. Chúng tôi không thể nào quên những tháng ngày gian lao mà hào hùng, dẫu hiểm nguy nhưng vẫn ấm tình đồng đội. Những lá thư từ gia đình gửi lên cho một đứa mà như cho cả tiểu đội, làm vơi đi nỗi nhớ nhà trong lòng mỗi người. Nhớ sao ánh mắt rạng ngời và nụ cười tươi khi chia nhau một gói lương khô, một đĩa rau rừng. Thương sao những đồng đội nữ TNXP, chưa quen mưa tuôn, pháo nổ, vẫn kiên quyết xin ra tiền tuyến, mặc cho những tháng ngày cáng thương, tải đạn làm hằn lên những vết chai”, bà Sáu nói.

8 năm chiến đấu trên chiến trường trọng yếu Quân khu VI, những người TNXP năm xưa dù ở lại trên mảnh đất này, hay trở về quê hương vẫn mãi nhớ về H.50, nhớ về Đa Kai, vùng đất thân thương, nơi đoàn đã đóng quân và từ đó đã lập nên những chiến công. Năm tháng ấy, cho mãi đến tận hôm nay, những thời khắc ác liệt, những địa danh, những sự kiện, những con người cụ thể nó trở thành kỷ niệm một thời không thể nào quên.

GHI CHÉP NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sáng mãi tinh thần Đội công tác đô thị tỉnh Bình Thuận
Trong thời kỳ đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ, tỉnh Bình Thuận đã từng hiện hữu một đơn vị đặc biệt chuyên trách, làm công tác vận động quần chúng; tập hợp, giác ngộ, thu hút trí thức, giáo viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tự nguyện, hăng hái tham gia các phong trào yêu nước. Đó là Đội công tác đô thị tỉnh Bình Thuận.
Nổi bật
Thành tựu Bình Thuận sau 50 năm ngày giải phóng
Bình Thuận, một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Sau ngày giải phóng, Bình Thuận đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển đầy ấn tượng. Từ một vùng đất có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt hải sản, Bình Thuận đã chuyển mình thành một tỉnh có nền kinh tế trọng điểm, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước... Đổi thay ấy là công sức của bao thế hệ lãnh đạo cùng với với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
H.50 – huyền thoại trên vùng đất Đa Kai