Thiếu nhân lực, máy tính
Theo thống kê, tỉnh Bình Thuận có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ y tế điện tử. Cụ thể, 92% hộ dân có Internet băng thông rộng, 77,3% người dân sử dụng điện thoại thông minh, và 69,67% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt khoảng 92%. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), phần mềm lưu trữ hình ảnh y tế (PACS) và xét nghiệm (LIS) nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Những yếu tố trên tạo ra nền tảng vững chắc để phát triển các dịch vụ y tế điện tử. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, cũng như sử dụng các dịch vụ y tế trực tuyến khác. Các cơ sở y tế cũng có thể tận dụng thiết bị di động để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, giảm tải cho các bệnh viện. Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến tỉnh và các cơ sở y tế tuyến huyện, xã lại đối mặt với nhiều khó khăn. Các bệnh viện tuyến tỉnh có phòng hoặc tổ công nghệ thông tin, nhưng ở các trung tâm y tế cấp huyện chỉ có 1 nhân viên phụ trách công nghệ thông tin cho cả trung tâm và trạm y tế xã. Các trạm y tế xã thiếu nhân lực công nghệ thông tin; thiếu hệ thống liên thông dữ liệu. Đặc biệt, các máy tính tại các trạm y tế xã đã sử dụng lâu năm (10 năm trở lên), cấu hình thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của phần mềm y tế và việc kết nối dữ liệu giữa các cơ sở y tế; khó khăn việc triển khai các dịch vụ y tế số.
Phối hợp các giải pháp
Tại hội nghị trực tuyến tư vấn chính sách “Giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế”, các chuyên gia đánh giá: Chính quyền tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT). Cùng với đó, với hạ tầng internet phát triển khá tốt so với nhiều địa phương có cùng điều kiện kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, một số khó khăn là việc ứng dụng HSSKĐT gặp khó khăn do thiếu ngân sách riêng cho chuyển đổi số, chủ yếu dựa vào các dự án công nghệ thông tin. Các trung tâm y tế tuyến huyện tự chủ tài chính và thiếu nhân lực công nghệ thông tin, thu nhập thấp khiến khó thu hút nhân sự. Thêm vào đó, thiếu quy định rõ ràng, nhất quán về cập nhật HSSKĐT, và nhận thức chưa đầy đủ về sự khác biệt giữa HSSKĐT và sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT). Việc sử dụng 2 phần mềm khác nhau với người dân gây lãng phí, bất cập. HSSKĐT chỉ cập nhật khi sử dụng BHYT tại bệnh viện công.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp như Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đàm phán với các công ty cung cấp Internet về việc hỗ trợ các cơ sở y tế bằng cách tăng tốc độ, dung lượng đường truyền, triển khai giải pháp kiosk y tế thông minh. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền triển khai về lợi ích của chuyển đổi số, HSSKĐT giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi số và cách sử dụng HSSKĐT và tiếp cận các dịch vụ y tế trực tuyến một cách dễ dàng và an toàn. Hỗ trợ thiết bị điện thoại thông minh miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo. Hội đồng nhân dân tỉnh cần có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số lĩnh vực y tế, ưu tiên trang bị máy tính, tăng trợ cấp cho nhân viên thực hiện quá trình chuyển đổi số.