Theo dõi trên

Hai địa phương - một bài học!

18/12/2024, 05:17

Trong thời gian gần đây, mạng xã hội, đặc biệt là báo chí đã liên tục phản ảnh hai công trình xây dựng trái phép xảy ra trên địa bàn thành phố Phan Thiết và huyện Tánh Linh.

Tuy địa bàn, quy mô và tính chất khác nhau nhưng điểm chung đều là công trình xây dựng bất hợp pháp, buộc phải tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Việc xử lý hậu quả của nó đã được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã và đang làm theo đúng trình tự pháp luật. Ở bài báo này chỉ muốn nêu ra bài học, cần rút kinh nghiệm về công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng, tránh tình trạng để xảy ra những vụ việc tương tự.

z5868273908830_ce71acf8771ddf0d477e470f6a7ca565.jpg
Tháo dỡ công trình xây dựng tại dốc Hoàng Hôn. Ảnh tư liệu.

Vụ vi phạm xây dựng tại dốc Hoàng Hôn, Phan Thiết liên quan đến ông NNP đã được UBND TP. Phan Thiết xử lý qua nhiều giai đoạn. Từ tháng 3/2023, UBND TP. Phan Thiết nắm bắt thông tin về việc xây dựng trái phép. Đến 31/7, quyết định xử phạt hành chính đã được chính quyền ban hành, yêu cầu ông P tháo dỡ các công trình vi phạm và trả lại đất cho Nhà nước. Tuy nhiên, ông P chậm tuân thủ quyết định này, dẫn đến việc chính quyền phải tăng cường các biện pháp cưỡng chế.

Sau khi Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo, UBND TP. Phan Thiết yêu cầu ông P tự tháo dỡ trong vòng 10 ngày. Đến 16/9, ông P đã bắt đầu cho người tháo dỡ các công trình như quán cà phê và nhà hàng. Mặc dù trước đây, ông P đã xin gia hạn 2 tháng để tự tháo dỡ do quy mô lớn, nhưng địa phương không đồng ý với lý do cần khẩn trương xử lý vi phạm. Sau đó, việc tháo dỡ đã diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của UBND TP. Phan Thiết, vụ việc sẽ được giải quyết triệt để nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất do Nhà nước quản lý .

Vụ việc biệt thự xây dựng trái phép của ông CTS tại xã Gia An, huyện Tánh Linh, đang được xử lý. UBND huyện Tánh Linh đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế, yêu cầu ông S tự tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày 20/10/2024. Tuy nhiên, ông S thực hiện chậm và không đúng cam kết. Ông S đã xin chuyển đổi công năng khu đất, nhưng đề nghị này không được chấp thuận do không phù hợp quy hoạch. UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Tánh Linh giải quyết dứt điểm vụ việc. Hiện nay, hồ sơ vi phạm hành chính của ông S đang được hoàn chỉnh, và nếu đến ngày 10/5/2025 ông vẫn chưa tự tháo dỡ, chính quyền sẽ cưỡng chế phá dỡ. Ông S viện lý do mùa mưa bão và quy mô công trình lớn để giải thích cho việc chậm tiến độ.

Trách nhiệm liên quan đến hai vụ xây dựng trái phép này thuộc về nhiều cơ quan và đơn vị khác nhau.

Trách nhiệm liên quan đến vụ vi phạm xây dựng trái phép ở dốc Hoàng Hôn chủ yếu thuộc về UBND phường Phú Hài và UBND TP. Phan Thiết. Phan Thiết đã chỉ đạo phường này kiểm tra và xử lý vụ việc nhưng việc thực hiện đã bị chậm trễ. Các cá nhân, tổ chức liên quan cũng bị yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm vì không thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Nỗ lực hiện tại của UBND TP. Phan Thiết bao gồm việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm và rà soát các hồ sơ liên quan để đảm bảo trách nhiệm và tính hợp pháp của quyết định xử phạt trước đó.

Để xảy ra việc xây dựng biệt thự trái phép ở Tánh Linh, trách nhiệm cũng thuộc về chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về quản lý đất đai và xây dựng. Việc xây dựng trái phép xảy ra mà không có sự can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng công trình hoàn thành trước khi bị xử lý, cho thấy sự thiếu giám sát của chính quyền cơ sở, và cơ quan chức năng của huyện.

Qua bài học từ hai vụ việc trên, để chấn chỉnh tình trạng xây dựng công trình trái phép, lãnh đạo tỉnh đã và đang chỉ đạo tăng cường nhiều giải pháp về quản lý đất đai, quản lý xây dựng. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ thị về quản lý quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng, cũng như quản lý đất đai. Trong đó tập trung xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất đai theo Điều 208 Luật Đất đai năm 2013. Tăng cường kiểm tra các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, giải quyết tranh chấp đất đai, và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai. Ngoài ra, việc rà soát quy trình giám sát đất đai và xây dựng, thiết lập cơ chế báo cáo nhanh khi phát hiện vi phạm, cùng với việc kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các cá nhân liên quan, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cũng được thực hiện để ngăn chặn tình trạng vi phạm tái diễn. Cuối cùng, Bình Thuận sẽ xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức liên quan đến việc lấn chiếm đất đai và xây dựng trái phép.

HUỲNH THANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Đó là yêu cầu của Thủ tướng mang tính chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tại Công điện 131 CĐ –TTg, ngày 11/12/2024 về thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Có thể thấy, nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong thời này của từng bộ, ngành, địa phương là hết sức khẩn trương, song hành với việc tinh gọn bộ máy.
Nổi bật
Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là một thành tố văn hóa
Trang phục truyền thống được xem là vốn quý của mỗi đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nó không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử. Chỉ cần nhìn vào bộ trang phục là có thể nhận diện các dân tộc khác nhau. Vì thế, bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống luôn là một trong những vấn đề cấp thiết, góp phần làm cho vườn hoa các dân tộc Việt Nam đa hương, đa sắc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai địa phương - một bài học!