Theo dõi trên

Hai trăm cây số phía Bắc Sài Gòn - tiểu thuyết về quê hương của Nguyễn Chí Lợi

10/12/2021, 09:49

BT- “Hai trăm cây số phía Bắc Sài Gòn” là địa danh của chốn nào? Đây chắc chắn sẽ là câu hỏi đặt ra đầu tiên khi ta cầm quyển tiểu thuyết dày 280 trang, (NXB HNV tháng 6/2021) có cái tựa như thế trên tay.

Cách Sài Gòn hai trăm cây số về phía Bắc, thực ra, nào phải nơi đâu xa lạ! Đó chính là một miền đất được thiên nhiêu ưu đãi có biển xanh, cát trắng, nắng vàng; là xứ sở của bạt ngàn những đồi cát gió, của Bàu Trắng lừng hương sen. Nơi này cũng nổi tiếng với Lầu Ông Hoàng, từng dệt nên câu chuyện tình một thuở vương hương… Nơi có biển mặn với những thùng lều nước mắm nồng mùi thơm cá biển mà người dân quê cứ đi xa là nhớ… Đó chính là Phan Thiết - Bình Thuận - mảnh đất tỵ địa thời chống Pháp. 

Nguyễn Chí Lợi, người viết tiểu thuyết này thuộc cung Bảo Bình (1987), sinh ra và lớn lên ở phường Đức Thắng - thành phố Phan Thiết - Bình Thuận, rời Phan Thiết vào Sài Gòn, học ngành Anh văn thương mại từ 2005, nhưng mê làm phim lịch sử có yếu tố cổ xưa để mong nắm bắt được cái hồn cốt của văn hóa - lịch sử. Chính sự yêu thích nghiên cứu về lịch sử - văn hóa, đã khơi dậy tình yêu văn chương sâu đậm nơi chàng trai để từ đó hình thành nên tiểu thuyết “Hai trăm cây số phía Bắc Sài Gòn” gồm hai mươi chương. Từ chương một mở đầu đến khi gấp lại chương kết, có thể thấy đề tài không mới nhưng truyện vẫn có sức hút.

Tôi không quen biết Nguyễn Chí Lợi. Chí ít là khi tôi đã đọc xong tập sách. Một nhà văn giới thiệu. Tác giả trẻ, lại cùng quê với tôi kia mà. Âu cũng là cái duyên gặp gỡ. Gặp văn trước, rồi sẽ gặp người sau.

Ngay chương đầu, có thể thấy Nguyễn Chí Lợi đã sử dụng một chút thi pháp huyền ảo hóa, văn phong gãy gọn, bút pháp khá vững vàng… để xây dựng cốt truyện. bằng ba câu chuyện tình đan xen, lồng ghép vào nhau qua lời kể của nhân vật Phương - cô gái xinh đẹp người Phan Thiết với Thiếu Long (lớp trưởng đại học). Tất cả các sự kiện lịch sử đều theo chiều kích của sự hình thành và phát triển vùng đất “Hai trăm cây số phía Bắc Sài Gòn” này…

Cặp đôi thứ nhất - thế hệ thứ nhất trong truyện có sắc vóc xinh đẹp, lẫn giỏi đàn ca sáo thổi như họ. Chàng trai mang tên Hai Phong mồ côi, nghèo khó, lưu lạc từ Quảng Trị vào Cù Lao Thu và tiểu thư Trần Ngọc Phước Hiền (con của quan) thời chống Pháp: “Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Việt Nam gần như hoàn toàn trở thành thuộc địa của Phú Lang Sa… Các phong trào nổi dậy khắp cả nước…” (trang 15).

Không gian được Nguyễn Chí Lợi mô tả trong chương 2 khá sinh động, chủ yếu ở vùng đảo nhỏ với những làng chài cây cối xanh mơ, nơi có người thầy thuốc nhân từ bác ái nhận Hai Phong làm đệ tử sau khi cha mất vì đắm thuyền trên đường lưu lạc trên biển tìm đến vùng đất mới: “Mở từng mi mắt nặng trĩu, Hai Phong ngấp nghé nhìn ánh mặt trời lên chói chan. Anh giật bắn mình dáo dác tìm cha. Ông Ba Phấn nằm sõng soài trên bờ cát trắng mịn cách anh chừng mươi thước…” (trang 19). Hòn đảo nhỏ ấy chỉ 16 km2 mang tên Phú Quý, thiên đường xinh đẹp của sự an bình…

Cặp đôi thứ hai - thuộc thế hệ thứ hai, là Hải Thanh (con gái Hàm hộ Hương Sanh) với chàng bác sĩ Thiện Nhân qua sự hồi tưởng của vú người làm trong nhà Hương Sanh và các bức ảnh thờ phượng. Trong câu chuyện tình này còn có một nhân vật thủ vai người bạn học thân thiết, yêu Hải Thanh, nhưng “làm trai có chí lớn” nên theo cha đi làm cách mạng.

“… Nhiều lần Hải Thanh và Thiện Nhân ghé nhà Thanh Lâm cũng không thấy bóng dáng mẹ con Lâm đâu. Ngôi nhà lá đơn sơ hoàn toàn vắng bóng người. Ghé bến Cồn Chà hỏi thăm nhưng người làm cùng cũng không biết…” (trang 187).

Nguyễn Chí Lợi là người Phan Thiết, nên đã có ít nhiều hiểu biết về lịch sử văn hóa của vùng đất quê hương. Riêng chuyện tình của Phương - Long là xuyên suốt cả hai câu chuyện tình kể trên. Không gian chủ yếu cho các nhân vật hoạt động ở Phan Thiết - Hàm Thuận Bắc.

Qua lời kể chân mộc của tác giả, Phương và Thiếu Long có thể xem là phiên bản thứ ba của huyền thoại tình yêu trong truyện. Thời gian họ xuất hiện ở thì hiện tại. Không gian chủ yếu diễn ra nơi một trường đại học ở Sài Gòn và vùng đất Phan Thiết, Mũi Né. Với bút pháp hiện thực, tác giả cho ta biết, các bạn trẻ luôn ôm ấp trong tim giấc mơ khám phá những vùng đất mới, những món ẩm thực mới để phục vụ cho sự phát triển của ngành du lịch Phan Thiết -Bình Thuận.

Nghệ thuật dẫn dắt là ở sự đan xen câu chuyện của từng cặp đôi yêu nhau từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ ba theo trình tự thời gian. Điều này không dễ dàng. Tác giả khá thành công khi tạo kết cấu liên ba. Chính vì thế mà hình tượng nhân vật được lung linh, biến hóa. Phương - Thiếu Long nhận ra nhau và đến với nhau bắt nguồn từ những cơn mơ… Về dung mạo của ba cặp đôi - ba thế hệ (cả nam lẫn nữ) đều giống hệt nhau từ khuôn mặt đến vóc dáng và cả sở thích. Nhưng mối tình của thế hệ thứ nhất ở thời chống Pháp là chuyện tình buồn, đẫm nước mắt chia ly chỉ vì lễ nghi phong kiến “không môn đăng hộ đối”. Chàng trai làng biển bị hàm oan nên chịu tội bêu đầu, tiểu thư phải tìm đến sự quyên sinh. Bảng lảng trong truyện là y phục cổ trang, là so dây hòa âm đàn sáo… mà nhân vật Phương đã nằm mơ, khởi đầu cho mối lương duyên của mình: “Tôi mơ thấy tôi đang ôm cây đàn… Vầng trăng tròn vành vạnh lơ lửng trên đầu. Bên cạnh tôi là hồ sen… tiếng đàn của tôi hòa nhịp với tiếng sáo thanh thoát phát ra từ một chàng trai… Chàng mặc đồ như trong phim cổ trang…” (trang 9).

Câu chuyện tình thứ hai ở thời chống Mỹ cũng đầy hơi thở chia ly, huynh đệ tương tàn. Thanh niên ở bên này hay bên kia cũng đều là “máu đỏ da vàng”, có khi là bạn bè thân thiết. 

Chỉ có mối tình thứ ba là trọn vẹn tay trong tay. Họ cũng mơ mơ hồ hồ về sự hóa thân kỳ lạ của những giấc mộng, bản thân lại giống hệt hình hài các vị tiền thân của họ. Nhưng họ hạnh phúc hơn. Và trong tâm thế của những người trẻ tuổi, họ đã ghi khắc những gian khổ,  kể cả hy sinh… mà ông cha trải qua, để dốc lòng cùng nhau xây dựng quê hương yêu dấu.

Nguyễn Chí Lợi, chàng viết văn trẻ tuổi đã tâm tình (trang 274): “Tôi có chút hối hận, tự trách mình đã quá vô tư và thiếu sót. Mỗi ngày đi qua những con đường, những dãy nhà trong thành phố… chẳng để ý rằng máu xương thân xác của… thế hệ ông bà tổ tiên tôi đã đổ xuống đây, đã nỗ lực sáng tạo… để xây đắp  Phan Thiết xinh đẹp như ngày nay”. Nhưng giờ đây, khi hình thành quyển tiểu thuyết này, tôi tin chắc rằng tác giả sẽ hạnh phúc khi góp sức quảng bá cho quê hương về lịch sử - văn hóa - du lịch thông qua những trang văn.

Truyện có nhiều yếu tố kỳ ảo nhưng cũng có những yếu tố lịch sử chân thật đã từng xảy ra trên quê hương này. Ý nghĩa nhân văn đầy ắp trong truyện. Và quan trọng là thông qua những giá trị về truyền thống ngành nghề cổ xưa, qua những câu chuyện tình đẹp ấy, tác giả trẻ muốn khơi dậy lịch sử hào hùng, gửi gắm tình yêu quê hương và khát vọng vươn lên của tuổi trẻ quê nhà. Tuy nhiên, mới mẻ hơn một chút về phong cách thể hiện, bứt phá hơn một chút về xây dựng tình tiết và biến tấu hơn một chút về giọng văn cũng là điều cần, nếu nhà văn trẻ xác định sẽ dấn thân vào con đường sáng tạo văn chương. 

Con đường phía trước của tác giả còn rất dài, rất rộng, mong rằng, sau “Hai trăm cây số phía Bắc Sài Gòn”, Nguyễn Chí Lợi sẽ có những tác phẩm đặc sắc hơn viết về từng địa danh xinh đẹp và những con người thân thiện cởi mở, tài hoa của xứ sở mà ngày xưa, ông bà ta đã từng phán rằng: “Văn chương không bằng xương cá mòi”.

Nguyễn Thị Liên Tâm



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai trăm cây số phía Bắc Sài Gòn - tiểu thuyết về quê hương của Nguyễn Chí Lợi