Sản xuất nước mắm truyền thống.
PV: Được biết, ông đại diện Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo, vậy tại sao những nội dung bất lợi cho NMTT vẫn được đưa vào dự thảo?
Ông Lê Trần Phú Đức: Tôi là 1 trong 12 thành viên được Bộ NN & PTNT ký quyết định thay mặt Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo. Cuộc họp đầu tiên tôi tham dự rất cởi mở và đưa ra nhiều ý tưởng tốt, mang tính minh bạch cho NMTT lẫn nước mắm công nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, không biết vì lý do gì, nội dung cuộc họp đầu tiên hoàn toàn bị xóa bỏ và tổ chức họp lại với điều kiện có sự tham dự của Tập đoàn Massan (nước mắm Nam Ngư). Trong cuộc họp ấy, nhiều nội dung hoàn toàn được thay đổi so với cuộc họp tôi tham gia trước đó. Và khi ban hành dự thảo lần đầu, nội dung không giống với những gì đã bàn luận, có nhiều điểm làm khó cho NMTT. Tôi đã trao đổi qua mail và kịch liệt phản đối những nội dung trong dự thảo. Và sau lần đó, tôi không nhận được bất cứ giấy mời nào để tiếp tục tham gia góp ý cho dự thảo mới dù tôi là thành viên.
Ông Lê Trần Phú Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết
Vậy ông tiếp cận dự thảo mới khi nào?
Đến cuối tháng 2/2019, thông qua báo chí, tôi mới biết dự thảo này đang lấy ý kiến lần cuối trước khi ban hành. Tôi cũng như Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết hoàn toàn bị bất ngờ trước thông tin này. Trong dự thảo, một trong những nội dung được báo chí nhắc nhiều là yêu cầu các cơ sở sản xuất NMTT phải kiểm soát dư lượng thuốc thú y, thuốc BVTV, trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển, chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi). Tôi khẳng định đây chỉ là phương án “nghi binh” của những người có ý đồ khi ban hành dự thảo. Nội dung quan trọng để “bức tử” NMTT chính là những quy định về hàm lượng Histamine trong nước mắm.
Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Theo quy định của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế), hàm lượng Histamine trong nước mắm không được quá 400mg/lít. Đây là hàng rào kỹ thuật làm NMTT ở Việt Nam không thể xuất khẩu được vì có hàm lượng Histamine luôn ở mức cao từ 700mg – 1.200mg/lít. Chỉ tiêu về Histamine thấp như thế chỉ có nước mắm công nghiệp là đáp ứng được, vì là nước mắm pha loãng nên không thể có nhiều Histamine.
Nhưng tôi phân tích rõ hơn cho mọi người dễ hiểu, một ngày một người có thể ăn 250g cá tươi, nhưng trung bình chỉ ăn khoảng 5ml nước mắm. Điều đó có nghĩa hàm lượng Histamine hấp thụ vào cơ thể qua nước mắm rất ít, chỉ khoảng 5mg. Như vậy khó có thể xảy ra ngộ độc Histamine do ăn nước mắm, mà có chăng là do sử dụng nước mắm kết hợp với các loại cá biển đã bị ươn để chế biến thức ăn hoặc là những người do cơ địa mẫn cảm (trong cơ thể chứa một hàm lượng Histamine cao).
Vậy ông có đề xuất gì cho dự thảo sắp ban hành?
Tôi nghĩ rằng, chỉ tiêu về hàm lượng Histamine không nên đưa vào nội dung dự thảo, mà các nhà khoa học trong nước cần làm đề tài nghiên cứu, để chứng minh rằng: hàm lượng Histamine trong NMTT cao nhưng không hề độc hại. Từ đó, NMTT Việt Nam sẽ được xuất khẩu, mang lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn. Nếu dự thảo này vì lý do nào đó vẫn tiếp tục được ban hành, bất chấp sự phản đối của các Hiệp hội, các nhà sản xuất NMTT, thì toàn bộ ngành nghề sản xuất NMTT tồn tại hàng trăm năm nay ở Việt Nam sẽ trở thành “công trường” sản xuất cho nước mắm công nghiệp và chúng ta không thể bảo tồn di sản mà cha ông để lại.
Tôi cùng Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết đang làm đơn “cầu cứu” Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận để có thêm tiếng nói, mong rằng dự thảo này phải ngừng ban hành để có thời gian thảo luận thêm.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Minh Vân (thực hiện)