Ngay sau khi lũ rút, bà con nông dân khẩn trương thu hoạch trên những diện tích này, tuy nhiên quá trình thu hoạch gặp nhiều khó khăn và thiệt hại cũng rất đáng kể.
Ông Ngô Văn Nhớ ở thôn 2, xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc sản xuất gần 0,6 ha lúa vụ hè thu. Đến thời điểm cuối tháng 7, trà lúa chín vàng nên gia đình ông chuẩn bị thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch. Tuy nhiên sau cơn mưa lớn kéo dài, lũ bất ngờ đổ về khiến ông không kịp trở tay, 2/3 diện tích lúa của gia đình bị ngập sâu trong nước. Sau khi lũ rút, ông bắt tay ngay vào thu hoạch những diện tích lúa bị ngập; song do lúa ngã, chân ruộng còn sủng nước nên quá trình gặt gặp nhiều khó khăn.
“Năm nay trà lúa đẹp, dự kiến năng suất cao hơn mọi năm, dự định sáng ngày 1/8 thì thu hoạch, nhưng tối ngày 30/7 nước lũ tràn về ngập toàn bộ, lúa ngã rạp dưới nước, khi lũ rút tôi phải thuê người xuống ruộng dựng từng khóm lúa máy liên hợp mới gặt được, còn không thì phải chấp nhận gặt bằng tay…”. Ông Nhớ nói.
Cũng do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, gần 0,3 ha lúa trong thời kì cho thu hoạch của ông Trần Văn Điệp ở thôn 2, xã Thuận Minh bị nước ngập sâu. Những ngày gần đây, tranh thủ lũ rút ông thuê máy gặt toàn bộ diện tích này. Tuy nhiên, do lúa ngã, hạt lúa ngâm bùn nhiều ngày nên thiệt hại rất đáng kể. “Lúa con bị ngập bình thường thì cũng hư hại rồi, còn đằng này lúa chín ngập nhiều ngày, có diện tích bẹp dưới bùn nên mọc mộng; tôi ước đoán lúa của gia đình thiệt hại khoảng 50%”. Ông Điệp chia sẻ.
Theo thống kê, 8 xã của huyện có diện tích lúa chín bị đổ ngã và ngập sâu do đợt mưa lũ cuối tháng 7 vừa qua. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa, mà còn tăng chi phí và kéo giãn tiến độ thu hoạch. Đáng lo nhất là những diện tích lúa chín bị ngập nước nhiều ngày nguy cơ hạt nảy mộng rất cao; riêng những diện tích lúa đổ ngã thì lại tăng chi phí thu hoạch cho người nông dân…
Để hạn chế thiệt hại, những ngày qua, ngoài tập trung khơi thông dòng chảy kênh tiêu thoát lũ, sông suối tự nhiên, huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo các địa phương trong huyện vận động nông dân tranh thủ thu hoạch dứt điểm những diện tích lúa chín bị ngập nước ngay sau khi lũ rút.
Đồng thời tiến hành kiểm tra, thống kê, đánh giá chính xác mức độ thiệt hại, lặp danh sách các hộ bị ảnh hưởng để hỗ trợ kịp thời.
Qua thống kê, rà soát, toàn xã có khoảng 51 ha lúa hè thu giai đoạn chín bị ngập lụt, trong đó nhiều diện tích hư hại từ 30 - 50%, số ít diện tích hư hại khoảng 70% chủ yếu ở những vùng trũng thấp, không thể thoát nước như thôn 1, thôn 2 và thôn Dốc Lăng…”.