Nơi lý tưởng cho căn nhà thứ 2
Trong khi UBND huyện Hàm Thuận Bắc tất bật bổ sung các công trình, dự án có liên quan đến đường nối giữa đường sắt cao tốc Bắc – Nam về nội đô thành phố Phan Thiết vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… thì người dân, nhà đầu tư cũng triển khai kế hoạch phải có một mảnh đất ở xã Hàm Hiệp hoặc các khu vực ở kề bên. Hiện tượng “kéo theo” trên thường xảy ra đối với Hàm Thuận Bắc lâu nay, khi có một dự án hay một sự dịch chuyển địa giới hành chính nào đó, bởi nơi ven đô thị này vốn hội tụ nhiều yếu tố bổ sung mang tính chính thống cho một Phan Thiết đang trở nên chật chội và cả trong suy nghĩ của những nhà đầu tư hay đầu cơ đất đai cho một thị trường nhà đất hướng về nghỉ dưỡng.




Đó có thể là mảnh vườn trồng vài loại cây, có ao cá, có căn nhà nhỏ cho ngày nghỉ cuối tuần được thư giãn. Đó có thể là căn nhà thứ 2 bình yên cho đi về thuận lợi, nhất là khi tuyến cao tốc đường bộ đi qua, vùng Hàm Thuận Bắc nhộn nhịp hơn với hoạt động giao dịch chuyển nhượng đất từ những người đến từ các tỉnh, thành khác. Qua đó, cũng góp phần cho sự ra đời, đi vào hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể nhiều lên theo thời gian ở huyện.
Đó là lý do những năm gần đây, bên cạnh các khoản thu khác tăng trưởng theo thời gian thì nguồn thu tiền sử dụng đất luôn giữ phong độ tiên phong, là khoản thu về đích sớm nhất và vượt cao nhất. Như năm 2020, nguồn thu tiền sử dụng đất vượt đến 117,7% với 136,3/60 tỷ đồng kế hoạch trong tổng thu năm là 385,486 tỷ đồng. Cứ thế, năm 2024 cũng vậy, nguồn thu tiền sử dụng đất gần 122 tỷ đồng, trong tổng thu đạt 445 tỷ đồng, so với dự toán 372 tỷ đồng. Hay quý 1/2025, Hàm Thuận Bắc thu được 139,36 tỷ đồng, đạt 35,46% dự toán năm 2025, trong đó nguồn thu tiền sử dụng đất gần 56 tỷ/100 tỷ kế hoạch…


Nhờ vậy, trong những năm qua, Hàm Thuận Bắc luôn là huyện có nguồn thu ngân sách đứng vị trí thứ 2 trong các địa phương của tỉnh, sau TP. Phan Thiết. Tổng thu ngân sách hàng năm vượt 40%/năm. Riêng thu ngân sách năm 2024 với 445 tỷ đồng là bằng 57 lần so với năm 1995, thời điểm hồ Sông Quao bắt đầu được khai thác.
Thông tin từ UBND huyện Hàm Thuận Bắc, quý 1/2025, có thêm 20 doanh nghiệp thành lập mới và 110 hộ cá thể đăng ký kinh doanh, nâng tổng số đến nay trên địa bàn huyện có 970 doanh nghiệp và 6.772 hộ cá thể đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 12.191 tỷ đồng...

Tạo ra sức dân
Với một huyện vốn thuần nông mà dù đến giờ, sau 50 năm giải phóng, cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhưng khi nói đến Hàm Thuận Bắc, mọi người đều nghĩ đến hồ Sông Quao. Trong báo cáo 50 năm sau giải phóng, UBND huyện Hàm Thuận Bắc cũng lấy mốc năm 1995, thời điểm hồ Sông Quao vận hành, để so sánh sự thay đổi trên nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ riêng thu ngân sách. Như giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 190 triệu đồng/ha vào năm ngoái, gấp hơn 14 lần khi có công trình thủy lợi Sông Quao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024, gấp 5 lần so với năm 1995. Hay giảm tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo từ 95% vào năm 1995 xuống còn dưới 7,4%...



Có thể hình dung, buổi ban đầu ấy, sau khi tách huyện 1983, Hàm Thuận Bắc sẽ như nào khi trong hoàn cảnh có đông hộ nghèo khó, thiếu ăn; có đông gia đình chính sách, vì là vùng cách mạng; đông đồng bào dân tộc thiểu số… và nhất là chưa có thủy lợi. Thế nên, nói hồ Sông Quao xuất hiện năm 1995 là đánh dấu bước ngoặt đổi đời của nhân dân Hàm Thuận Bắc không hề nói quá. Vì từ chỗ “Đồng khô cỏ cháy nước chờ mong”, nhiều vùng đất hoang hóa, ruộng 1 vụ bấp bênh đã được sản xuất 2-3 vụ ăn chắc hoặc những vùng cây trái xanh tốt như thanh long, sầu riêng, dưa lưới... xuất hiện. Với diện tích tưới chủ động hiện nay đã trên 90%, gấp hơn 9 lần và dù giá cả nông sản có biến động nhưng nhìn chung đời sống người dân sang trạng thái tươi sáng. Trong hành trình ấy, dân xây sửa nhà cửa khang trang, đã chú ý thẩm mỹ, kiểu dáng và còn chung sức đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua đầu tư kết cấu hạ tầng từ thủy lợi, đường sá… đến các thiết chế văn hóa, song song với sự đầu tư của Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.






Sức dân ấy ở Hàm Thuận Bắc còn thể hiện qua việc đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo luôn vượt kế hoạch đề ra. Như năm 2020, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 900 triệu đồng, đạt 132,57% kế hoạch (680 triệu đồng); quỹ “Vì người nghèo” được gần 970 triệu đồng, đạt 121,2% kế hoạch (800 triệu đồng). Hay năm 2024, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 1 tỷ đồng, trong khi kế hoạch 800 triệu đồng… Từ nguồn tiền ấy được huy động nhiều hơn mỗi năm, giúp phong trào “xóa nhà tạm, nhà dột nát” theo chủ trương của Chính phủ trên địa bàn huyện đến hồi kết thúc. Theo kế hoạch vào tháng 6 này, tức không quá 2 tháng nữa, 91 đối tượng chính sách, 57 hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại cuối cùng sẽ được hỗ trợ cải thiện nhà ở, giúp Hàm Thuận Bắc hoàn thành tiêu chí trên.

Nỗ lực kết nối đô thị
Trong không khí kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương, đường từ trung tâm huyện đi quốc lộ 1A, công trình trọng điểm của tỉnh được Hàm Thuận Bắc đẩy nhanh thi công. Tuyến đường này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, du khách mà còn giảm tải lưu lượng xe lưu thông từ QL 1A vào đường cao tốc Bắc – Nam qua QL 28 và ngược lại. Hơn thế, còn mở ra không gian phát triển cho huyện, khi điểm đầu giao đường Nguyễn Tương, đường Quang Trung của thị trấn Ma Lâm và điểm cuối giao QL 1A tại xã Hàm Đức. Bên cạnh là các công trình khác như cầu qua kè Sông Cái – Ma Lâm…

Câu chuyện chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian phát triển, kết nối nông thôn – đô thị và kết nối các địa phương là mục tiêu mà huyện Hàm Thuận Bắc nỗ lực thực hiện trong nhiều năm nay. Trong điều kiện có nhiều cái khó nhưng huyện huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội qua từng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Như năm 2020, huyện huy động được 7.650 tỷ đồng, vượt 9,3% kế hoạch đề ra (7.000 tỷ đồng). Hay năm 2024 cũng thế, huy động vốn toàn xã hội được 8.160 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch đề ra (8.000 tỷ đồng). Bên cạnh là sự triển khai quyết liệt công tác đầu tư xây dựng cơ bản cùng 3 chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Vì vậy, dù có vướng mắc từ đền bù, giải tỏa nhưng cuối cùng năm nào cũng đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%. Theo đó, phong trào làm bê tông xi măng đường làng, ngõ xóm theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” trên địa bàn huyện cũng nở rộ, là điểm sáng của tỉnh.
Kết quả trên không chỉ giúp Hàm Thuận Bắc kết nối đô thị Phan Thiết kề bên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong thông suốt, không bị chênh nhiều mà còn phục vụ ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Đó cũng là lý do thời gian gần đây có các nhà đầu tư về Hàm Thuận Bắc và các cụm công nghiệp Hàm Đức, Ma Lâm… chuẩn bị hình thành, mở ra 1 trang mới cho tăng thêm tỷ trọng công nghiệp ở vùng vốn thuần nông ven đô.