Nâng cao năng lực PCCC ở cơ sở
Toàn tỉnh hiện có 10.800 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và trên 1.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Để đảm bảo an toàn PCCC, từ đầu năm đến nay ngành chức năng của tỉnh đã ban hành hàng chục kế hoạch kiểm tra chuyên đề các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, cao su; tàu cá, cảng cá, chợ, trung tâm thương mại, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; các cơ sở tôn giáo; các điểm thi, các cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC; các cơ sở karaoke, vũ trường, mát xa... Theo đó, qua kiểm tra 8.700 lượt cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC đã phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính 76 trường hợp vi phạm, đồng thời kiến nghị khắc phục 8.811 lỗi thiếu sót về PCCC.
Đặc biệt, trong xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, đến nay toàn tỉnh còn thành lập được 2.497 đội PCCC cơ sở với 14.982 đội viên; xây dựng 672 tổ liên gia an toàn PCCC và 646 điểm chữa cháy công cộng (tăng 6 lần so với số lượng đề ra). Đây là một trong những biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả nhiệm vụ PCCC ở cơ sở, ngăn chặn kịp thời vụ cháy ngay từ mới phát sinh. Điển hình như vụ cháy ngày 17/10 tại Trạm biến áp ở phường Mũi Né. Thời điểm trên, ngay khi xảy ra cháy, phường Mũi Né đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ và thành viên Tổ liên gia PCCC tiến hành tập trung dập lửa nên vụ hỏa hoạn nhanh chóng được khống chế, dập tắt sau đó, không để cháy lan.
Ngoài ra, thực hiện các yêu cầu về PCCC, đến thời điểm này 100% nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có lối thoát nạn thứ 2. 193.000 nhà ở riêng lẻ có 2 lối thoát nạn, 173.000 nhà ở đã trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn (đạt 52%); 120.000 gia đình đã được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng về PCCC và cứu nạn cứu hộ. Bằng nhiều giải pháp, số vụ cháy, nổ trên địa bàn đã được kéo giảm. Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2023, Bình Thuận xảy ra 17 vụ cháy, so với cùng kỳ giảm 10 vụ.
Nguy cơ cháy, nổ vẫn tiềm ẩn
Mặc dù đã kéo giảm sâu về số vụ, nhưng tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Đó là vụ cháy tuabin gió của Nhà máy điện gió Phong điện 1 Bình Thuận tại huyện Tuy Phong, làm thiệt hại tài sản ước khoảng 70 tỷ đồng. Đặc biệt, vụ cháy xảy ra chiều ngày 31/8/2023 tại nhà ông Tạ Văn Hưng ở xã Phong Nẫm (Phan Thiết) đã làm 4 người tử vong. Từ thực tế trên cũng như hàng ngàn thiếu sót về PCCC qua kiểm tra cho thấy tình hình cháy, nổ vẫn diễn ra phức tạp, khó lường. Bên cạnh, vẫn có một số khu vực dân cư, khu vực quanh các chợ đô thị vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, hành lang an toàn giao thông; hiện có trên 795 hẻm nhỏ xe chữa cháy không vào được. Nguồn nước chữa cháy chủ yếu được lấy từ trụ nước chữa cháy, tuy nhiên trụ nước chữa cháy đô thị còn thiếu rất nhiều, chưa bảo đảm 150m/trụ nước.
Trong thời gian tới, khi các nhà cao tầng, các khu công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch được xây dựng ngày càng nhiều sẽ có tác động đến tình hình cháy, nổ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy hiểm về cháy, nổ sẽ gia tăng cả về số lượng và quy mô. Tình hình trên đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương và sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động đối với nhiệm vụ PCCC. Để thực hiện tốt nhiệm vụ PCCC, tỉnh cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC và cứu nạn cứu hộ sẽ được đẩy mạnh, chú trọng đến các giải pháp, kỹ năng về PCCC và thoát nạn.
Song song đó, tiếp tục xây dựng, nhân rộng và duy trì mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng; vận động từng hộ gia đình trang bị bình chữa cháy để nâng cao hiệu quả trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn ngay từ khi mới phát sinh. UBND tỉnh cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý về PCCC, không để tình trạng bỏ trống địa bàn, cơ sở và bảo đảm 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải được lập hồ sơ quản lý theo quy định. Đối với các địa bàn, khu vực trọng điểm, cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ có khả năng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải tăng cường các biện pháp quản lý về PCCC. Tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC đối với cơ sở bảo đảm đúng quy trình theo quy định; nội dung kiểm tra phải toàn diện, đầy đủ.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong thực hiện các quy định giải pháp về PCCC; xử phạt 100% hành vi vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.